Archives par mot-clé : parti politique

Ðại Việt Cách Mạng Ðảng tổ chức lễ giỗ ông Hà Thúc Ký

[ndlr] Comme dans l’article précédent, est relatée ci-après la cérémonie de commémoration de la disparition de Ha Thuc Ky, fondateur du Parti Dai Viet Révolutionnaire. Ce quatrième anniversaire fut célébré à Westminster (Californie Sud). Comme pour le précédent billet, nous avons souligné les grandes étapes de la biographie politique du défunt dans la partie centrale du texte. L’article fut publié dans Người Việt, le célèbre quotidien de la communauté vietnamienne des Etats-Unis.

* * *

Westminster (NV) – Sáng hôm Chủ Nhật 14 tháng 10, khu bộ Nam Cali của Ðại Việt Cách Mạng Ðảng, đại diện cho các khu bộ của đảng khắp nơi, đã tổ chức lễ giỗ cố Chủ Tịch Ðảng Hà Thúc Ký, sáng lập Ðại Việt Cách Mạng Ðảng, tại chùa Ðiều Ngự, Westminster.

Ngoài đại diện các khu bộ về từ Washington D.C., Colorado, Atlanta, Philadelphia… còn có hàng trăm quan khách thân hữu trong các đảng phái như Việt Nam Quốc Dân Ðảng, Ðại Việt Quốc Dân Ðảng, Liên Minh Dân Chủ Việt Nam, Tân Ðại Việt. Nhiều hội đoàn, hội ái hữu trong cộng đồng ở Nam California, đặc biệt là phu nhân cố Chủ Tịch Hà Thúc Ký cùng gia đình cũng có mặt trong buổi lễ tưởng niệm này.

Phát biểu trong bài diễn văn khai mạc, ông Nguyên Dzuy, đại diện khu bộ Nam California, khu bộ được ủy quyền tổ chức, trân trọng ngỏ lời chào mừng toàn thể quan khách có mặt và rất vinh dự trước sự có mặt của Chủ Tịch Danh Dự Bùi Diễm, cựu đại sứ VNCH đã ngoài 90 tuổi, và cụ bà quả phụ Hà Thúc Ký, năm nay đã ngoài 80 tuổi, cùng hai cô con gái Hương và Thu.

Bàn thờ cố Chủ Tịch Sáng Lập ÐVCMÐ Hà Thúc Ký trong ngày tưởng niệm. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Trong bài diễn văn, ông Nguyên Dzuy cho biết sau ngày mất của Chủ Tịch Hà Thúc Ký đảng ÐVCM đã ôn cố tri tân theo lời chỉ đạo, huấn thị và di chúc của cố Chủ Tịch Hà Thúc Ký, người sáng lập ÐVCMÐ. Ðược sự lãnh đạo sáng suốt của chủ tịch danh dự là cựu Ðại Sứ Bùi Diễm, bên cạnh đó còn có cụ bà Hà Thúc Ký cố vấn, toàn đảng đã quyết tâm đoàn kết xây dựng đảng trong tinh thần dân chủ của một đất nước trọng pháp đúng theo lời chỉ đạo của cố chủ tịch là trẻ trung hóa lãnh đạo đảng. Kết quả là một cuộc đại hội toàn đảng kỳ 7 vào tháng 6 năm 2011 tại Houston, Texas, đã thành công và đại thành công là đảng đã có được một lực lượng lãnh đạo trẻ trong đảng.

Ông Nguyên Dzuy nhấn mạnh: “Chúng tôi khẳng định ÐVCMÐ chỉ có một duy nhất từ trung ương đến địa phương không có một ÐVCMÐ nào khác nữa. Nếu có thì các tên phản đảng cấu kết cùng các tên cộng sản nằm vùng tạo dựng phá hoại làm tan rã hàng ngũ người quốc gia chống cộng sản ở hải ngoại”.

Sau phần khai mạc, lễ cầu siêu cho người quá cố đã được Thượng Tọa Thích Viên Huy cùng ban Hộ Niệm chùa Ðiều Ngự cử hành qua một thời kinh. Tiếp đó bà quả phụ Hà Thúc Ký đã cùng Chủ Tịch Danh Dự Bùi Diễm và đại diện thành phố Westminster, các đảng phái, hội đoàn làm lễ dâng hương trước bàn thờ cố Chủ Tịch Hà Thúc Ký được đặt chính giữa sân khấu của hội trường chùa Ðiều Ngự.

Buổi lễ tưởng niệm cố Chủ Tịch Hà Thúc Ký được tiếp tục với hai bài phát biểu của Chủ Tịch Ðảng Nguyễn Phượng Hoàng và Chủ Tịch Danh Dự Bùi Diễm. Cả hai ông chủ tịch đều nhắc đến những kỷ niệm được làm việc với ông Hà Thúc Ký mà ông Nguyễn Phượng Hoàng coi như vừa là một bực trưởng thượng vừa là một bực thầy nên đã học hỏi được rất nhiều, trong khi đó ông Bùi Diễm coi là một người đồng chí hướng cùng là một người bạn thân thiết. Ông Bùi Diễm kể lại thời trai trẻ hai người cùng học ở Hà Nội cùng trong một tâm trạng chung của thế hệ thanh niên lúc ấy là sôi sục cách mạng cứu đất nước và dân tộc. Nhưng với Hà Thúc Ký thì ông đã nhận biết ngay Việt Minh là cộng sản nên đã không chấp nhận và thường gọi là “bọn Việt Minh chúng nó”. Ông Bùi Diễm cũng kể đến suốt cuộc đời ông Hà Thúc Ký là cả một cuộc tranh đấu cho tự do, dân chủ của đất nước và sự ấm no cho toàn dân, lúc nào ông cũng mong mỏi có được sự đoàn kết, thống nhất nơi các lực lượng quốc gia yêu nước để đối phó hữu hiệu với cộng sản.

Quan khách và thân hữu tham dự lễ tưởng niệm
cố Chủ Tịch ÐVCMÐ Hà Thúc Ký. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Nhiều quan khách tham dự trong buổi tưởng niệm Hà Thúc Ký cũng đã lên bày tỏ cảm tưởng. Giáo Sư Nguyễn Thanh Liêm nhận xét ông Hà Thúc Ký là một người hoạt động lúc nào cũng mong mỏi cho lợi ích của toàn dân. Theo Giáo Sư Liêm thì tất cả các đảng phái quốc gia đều có tinh thần nhân bản, dân tộc nên luôn đối kháng với cộng sản là đảng chủ trương phi dân tộc, mất nhân tính.

Tiến Sĩ Lê Minh Nguyên, phó chủ tịch Tân Ðại Việt, cũng có nhận xét rằng tinh thần dân tộc trong tuổi trẻ Việt Nam luôn được biểu lộ ra trước thời cuộc khi chúng ta nhìn lại hoạt động yêu nước của thế hệ trước.

Phần phát biểu để tưởng niệm đến người quá cố, ông Vũ Hà, một đảng viên trẻ của ÐVCMÐ, đã lên đọc tiểu sử của cố Chủ Tịch Sáng Lập Hà Thúc Ký. Ông Vũ Hà đã đọc lại tài liệu chính thức của ÐVCMÐ do Ban Chấp Hành Trung Ương phát hành.

Theo tài liệu này, cố Chủ Tịch Hà Thúc Ký sanh tại Thừa Thiên trong một gia đình khoa bảng vào năm Canh Thân 1920. Tốt nghiệp Ðại Học Hà Nội với bằng kỹ sư thủy lâm, làm phó quận trưởng thủy lâm tại Cà Mau. Năm 1945, Nhật đảo chánh Pháp, ông trở về Huế rồi cũng như thanh niên cùng thế hệ, ông tham gia kháng chiến tại mặt trận Lào nhưng bị Việt Minh tại đó phao vu là thành phần phản động nên ông đã bỏ hàng ngũ kháng chiến về Hà Nội. Tại đây ông đã gia nhập Ðại Việt Quốc Dân Ðảng do ông Trương Tử Anh thành lập vào năm 1939.

Năm 1946, theo lệnh đảng ông về Huế hoạt động trong vòng bí mật.

Năm 1953 vào Sài Gòn và được bầu vào Hội Ðồng Chủ Tịch Trung Ương Ðảng Bộ Ðại Việt Quốc Dân Ðảng. Ông cũng là một thành viên trong phong trào Ðại Ðoàn Kết và Hòa Bình năm 1954 cùng một số nhân sĩ, giáo phái miền Nam như Cao Ðài, Hòa Hảo ủng hộ ông Ngô Ðình Diệm về làm thủ tướng.

Năm 1953, ông bị chính quyền của ông Ngô Ðình Diệm kết án vắng mặt khổ sai chung thân vì vụ Ba Lòng ở miền Trung.

Năm 1963, ông được Hội Ðồng Quân Nhân Cách Mạng mời vào Hội Ðồng Nhân Sĩ rồi tham gia trong chính phủ Nguyễn Khánh trong chức vụ Tổng Trưởng Nội Vụ. Nhưng chỉ 2 tháng sau ông đã từ chức vì bất đồng ý kiến với Tướng Nguyễn Khánh.

Tháng 5 năm 1965 ông công bố một bản tuyên ngôn 9 điểm, chủ trương chống cộng sản, đòi thực hiện đại đoàn kết quốc gia, cải cách kinh tế, chính trị, xã hội rồi tiếp theo tổ chức những cuộc biểu tình tại nhiều tỉnh để ủng hộ tuyên ngôn này.

Tháng 12 cùng năm đó, Ðại Việt Cách Mạng Ðảng được thành lập tại Sài Gòn và ông được bầu làm tổng bí thư đảng.

Cũng trong thời gian này và sau đó một số lớn đảng viên ÐVCMÐ đã gia nhập vào các cơ cấu hành chánh, quân sự của nền Ðệ II Cộng Hòa tạo nên được khí thế đối lập dân chủ của miền Nam Việt Nam.

Tháng 9 năm 1967, ông ứng cử tổng thống VNCH nhưng thất cử.

Sau vụ Tết Mậu Thân ông đã vận động 6 đảng lớn có thực lực ở miền Nam lúc ấy để thành lập một mặt trận gọi là Mặt Trận Quốc Gia Dân Chủ Xã Hội để thống nhất lực lượng chống cộng. Chủ tịch của chủ tịch đoàn của mặt trận là đương kim Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu.

Năm 1969, ông cầm đầu một phái đoàn gồm đủ mọi khuynh hướng chính trị xuất ngoại để vận động quốc tế ủng hộ cho miền Nam Việt Nam có được nền hòa bình công chính.

Năm 1972, ông cùng với Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy và ông Trần Quốc Bửu thành lập Mặt Trận Tự Quyết.

Sau năm 1975, ông vượt biên, định cư tị nạn tại Hoa Kỳ tiếp tục cuộc tranh đấu cho tự do, dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam.

Năm 1978 cùng một số nhân sĩ, đảng viên cũ và các bạn trẻ thành lập Mặt Trận Việt Nam Tự Do đồng thời cũng tập trung nỗ lực củng cố những cơ sở nòng cốt cho đảng được phục hoạt.

Năm 1988, ông cùng Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy và ông Bùi Diễm nỗ lực thống nhất Ðại Gia Ðình Ðại Việt nhưng không may Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy từ trần trong lúc công việc đang tiến hành nên việc tiến hành sự thống nhất đành tạm ngưng cho đến năm 1992, ông hợp tác với Bác Sĩ Nguyễn Tôn Hoàn theo tinh thần đã đồng ý với Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy từ trước để tái lập Ðại Việt Quốc Dân Ðảng, nhưng việc kết hợp gặp trở ngại nên ông đành trở về với tổ chức Ðại Việt Cách Mạng Ðảng. Trong ba kỳ đại hội liên tiếp 1995, 1999 và 2003, ông được bầu làm chủ tịch đảng.

Vào kỳ đại hội IV ông xin rút lui vì lý do sức khỏe và ủy quyền cho ông Bùi Diễm đứng ra triệu tập đại hội vào năm 2007. Trong kỳ đại hội này ông Bùi Diễm đã được bầu làm Chủ Tịch Tân Ban Chấp hành Trung Ương thay thế ông Hà Thúc Ký.

Ngày 16 tháng 10 năm 2008, ông qua đời tại bệnh viện Holy Cross, Maryland, hưởng thọ 89 tuổi.

Kết thúc buổi lễ ban tổ chức đã mời mọi người tham dự dùng một bữa cơm chay tại chùa để cùng tưởng nhớ đến người đã khuất.

Ghi chú: Trong một bài viết trước về Lễ Giỗ Cố Chủ Tịch Hà Thúc Ký đăng trên trang Ðịa Phương Người Việt số ra ngày Thứ Tư 10 tháng 10, ban tổ chức lễ giỗ cho biết có một số chi tiết không đúng với tài liệu chính thức của ÐVCM do ban chấp hành trung ương phát hành, và yêu cầu chúng tôi sửa chữa, bổ túc những sai sót. Vậy xin quí độc giả coi bài tường thuật này như một bản đính chính về Ðại Việt Cách Mạng Ðảng trong số báo trước.

Nguyên Huy/Người Việt, Sunday, October 14, 2012.

Liên lạc tác giả: NguyenHuy@nguoi-viet.com

Source : Người Việt

Đại Việt Cách Mạng Đảng Tưởng Niệm Chủ Tịch Hà Thúc Ký

[ndlr] Article du journaliste Nguyen Ninh Thuan du Việt Báo (Californie) relatant la journée de commémoration de la disparition de Ha Thuc Ky, fondateur du Parti Dai Viet Révolutionnaire. Ce quatrième anniversaire (lễ giỗ lần thứ 4) fut célébré au Sud de la Californie et organisé par la cellule locale du parti nationaliste. La partie centrale de l’article présente les grandes étapes de la biographie politique de Ha Thuc Ky.

* * *

Westminster – Trưa Chủ Nhật 14-10-2012 tại phòng hội chùa Điều Ngự, khu bộ ĐVCMĐ Nam Cali. và đại diện các cơ sở ĐVCMĐ tại Hoa Kỳ qui tụ về Nam Cali. tổ chức lễ giỗ lần thứ 4 cụ Hà Thúc Ký trong không khí trang nghiêm, đượm tình đoàn kết đại gia đình ĐVCMĐ. Trong số gần  200 quan khách tham dự còn có sự hiện diện của Bà quả phụ Hà Thúc Ký & gia đình, đại diện các Đảng phái như VNQDĐ; ĐVQDĐ; LMDCVN; Tân ĐV; nhiều hội đoàn đòan thể, các thân hào nhân sĩ, thân hữu cùng đồng hương VN; Phó Thị Trưởng Westminster, Tạ Đức Trí… và truyền thanh báo chí. MC: Vũ V Hùng.

Sau nghi thức chào cờ Việt -Mỹ, Đảng kỳ, phút mặc niệm và giới thiệu quan khách tham dự, Bí Thư Khu Bộ ĐVCM  Nam Cali, Ô.Nguyên Dzuy lên chào mùng & cám ơn quan khách có đoạn nói: “… từ tháng 10 năm 2008- tháng 10 năm 2012 là 4 năm ngày mất của cố Chủ-Tịch Hà Thúc Ký, là 4 năm ĐVCM Đảng chúng tôi ôn cố tri tân:  lời chỉ đạo, lời huấn thị,  lời di chúc của cố CT/ Hà Thúc Ký sáng lập ĐVCMĐ,  song hành được sự lãnh đạo sáng suốt của CT/ danh dự Đảng cựu Đại sứ Bùi-Diễm…  Đảng quyết tâm đoàn kết xây dựng Đảng trong tinh thần Dân chủ, đúng theo tinh thần Đại Hội Kỳ IV năm 1999 tại Thủ đô Hoa Thịnh Đốn, Hoa Kỳ  “Trẻ Trung hóa lãnh đạo Đảng…”

Sau nghi thức cầu siêu do Thượng Tọa Thích Viên Huy và Chư Đức tăng ni chùa Điều Ngự là Lễ Dâng Hương của bà quả phụ Hà Thúc Ký & gia đình; CT Danh dự Bùi Hoài Nam & CT BCH TƯ Nguyễn Phượng Hoàng; Phó Thị trưởng  Westminster Tạ Đức Trí; PCT/TĐV Lê Minh Nguyên; CTTƯVQDĐ; GS Nguyễn Thanh Liêm; Cựu DB Trương Văn Nguyên.

Tiếp theo Chủ Tịch ĐVCMĐ Nguyễn Phượng Hoàng lên chào mừng và cám ơn quan khách cùng phát biểu: “ Nhân dịp lễ giỗ lần thứ tư của cố CT HTK, tôi xin mạn phép được nói về một vài kỷ niệm trong lúc hoạt động với CT HTK. Thưa quý vị, nếu so sánh tuổi đời và tuổi Đảng thì CT Hà Thúc Ký là bậc trưởng thượng của tôi. Nếu so sánh kinh nghiệm hoạt động thì CT HTK là bậc thầy của tôi. Tôi đã được học hỏi rất nhiều điều từ CT HTK. Một trong những ấn tượng sâu sắc mà CT HTK đã để lại trong tâm khảm tôi là cách làm việc của ông. Rất nhiều người biết ông không bao giờ nề hà sự khó nhọc, ông có một ý chí kiên cường không bao giờ sờn lòng trước những khó khăn. Ngay cả đến lúc tuổi đã quá cao, và theo lẽ thường tình của con người thì thể chất suy yếu và bệnh tật bắt đầu hành hạ, nhưng ông vẫn ung dung, bình thản làm việc như bình thường. Có những lúc thấy ông làm việc cật lực, tôi tỏ vẻ quan tâm đến sức khoẻ của ông thì ông cười và bảo: Anh đừng lo cho tôi, ngày nào mà tôi không đau mới là chuyện lạ, còn đau đớn hàng ngày là chuyện bình thường. Tuy thể xác không còn được như thời trai trẻ, nhưng tinh thần của ông lúc nào cũng minh mẫn, vẫn đều đặn viết bài cho tờ Tạp Chí Cách Mạng của Đảng qua hai bút hiệu là Nam Phong và Bắc Vũ cho đến khi lực bất tòng tâm vào khoảng 2 năm ở cuối đời! Khi viết những bài bình luận liên quan đến VN thì ông ký tên Nam Phong, những bài liên quan đến thời sự quốc tế thì lấy tên Bắc Vũ. Nhưng ấn tượng tôi muốn nói đến là cách làm việc của ông. Ông luôn coi tôi như một người bạn đồng hành, một già một trẻ cùng đi trên con đường mưu cầu một nền tự do dân chủ để mang lại thịnh vượng, hạnh phúc cho dân tộc. Đối với ông, tôi là một người bạn, một người đồng tâm chí hướng, một đồng chí của ông cho dù chúng tôi có khoảng cách xa về tuổi tác và kinh nghiệm… Mọi người dựa vào nhau, chung sức làm việc. Và tôi có thể hãnh diện để nói nhờ cái tinh thần đó mà tổ chức của chúng tôi được thuần nhất. Những cá nhân nào có cái tâm đố kỵ, hay có cái tâm vị kỷ thì vì tư tưởng dị biệt nên trước sau cũng sẽ bị ra ngoài khỏi tổ chức do quy tắc tự nhiên của tiến trình sàng lọc…”

Tiếp theo, Phó Chủ Tịch ĐVCMĐ Vũ Hà lên đọc tiểu sử Cố CT Hà Thúc Ký rất đầy đủ chi tiết, chúng tôi tóm tắt như sau:

Ông Hà Thúc Ký sinh năm Canh Thân (1920) tại làng La Chữ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên trong một gia đình khoa bảng. Sau khi đỗ Tú Tài ông ra Hà Nội học Đại Học và đỗ Kỹ Sư Thủy Lâm và đến năm 1943 thì lên đường làm Phó Quận Trưởng Thủy Lâm tại Cà Mau. Sau khi Nhật đảo chánh Pháp năm 1945, ông trở về Huế và tham gia Kháng Chiến tại Mặt Trận Lào trên con đường số 9 với tư cách là Trưởng Ban Đặc Vụ Quân sự. Ít lâu sau, vì bị cán bộ chính ủy Việt Minh tại đó phao vu là thành phần phản động, ông đành phải rời bỏ hàng ngũ Kháng Chiến và ra Hà Nội. Tại đây ông gặp bạn bè cùng lứa và gia nhập Đại Việt Quốc Dân Đảng do Ông Trương Tử Anh thành lập năm 1939, cùng một thời với những đảng viên của đảng này như Nguyễn Tiến Hỷ, Đặng Vũ Trứ, Đặng Văn Sung, Nguyễn Tôn Hoàn, Nguyễn Tất Ứng, Bùi Diễm v.v…

Năm 1953, ông vào Sài Gòn và được bầu vào Hội Đồng Chủ Tịch Trung Ương Đảng Bộ Đại Việt Quốc Dân Dảng. Vì Đảng Trưởng Trương Tử Anh bị mất tích, Hội Đồng này tạm thời thay thế Đảng Trưởng để lãnh đạo Đảng. Ông cũng tham gia vào Phong Trào Đại Đoàn Kết và Hòa Bình năm 1954 cùng với một số nhân sĩ và giáo phái Miền Nam như Cao Đài và Hòa Hảo…

Năm 1955, vì bất đồng chính kiến với chính phủ của Thủ Tướng Ngô Đình Diệm, và vì có liên quan đến vụ biến động Ba Lòng ở Miền Trung, ông bị kết án (vắng mặt) khổ sai chung thân, rồi đến tháng 11, 1958 thì bị bắt và biệt giam cho đến sau ngày đảo chính ngày 1 tháng 11, 1963 mới được ra khỏi tù…

Sau Tết Mậu Thân, để đối phó với Cộng Sản , ông vận động 6 đảng lớn có thực lực ở Việt Nam là Dân Xã Đảng (Hòa Hảo), Lực Lượng Đại Đoàn Kết, Nhân Xã Cách Mạng Đảng, Lực Lượng Tự Do Dân Chủ, Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt Cách Mạng Đảng để thành lập Mặt Trận Quốc Gia Dân Chủ Xã Hội với mục đích đoàn kết lại những chính đảng chống Cộng…

Vào đầu năm 1988. ông cũng nỗ lực cùng với Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy và ông Bùi Diễm để tiến tới việc thống nhất lại Đại Gia Đình Đại Việt. Một bản thông cáo với chữ ký của 3 người được gửi tới các cấp của các hệ phái Đại Việt và được công bố ngày 27 tháng 3, 1988. Trong lúc những nỗ lực kết hợp được tiến hành đều đặn thì không may Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy từ trần….

Năm 1992, ông hợp tác với Bác Sĩ Nguyễn Tôn Hoàn theo tinh thần đã được đồng ý với Giáo Sư Huy từ trước để tái lập lại Đại Việt Quốc Dân Đảng, nhưng việc kết hợp gặp trở ngại nên ông trở về với tổ chức Đại Việt Cách Mạng. Trong 3 kỳ Đại Hội liên tiếp 1995, 1999 và 2003, ông được bầu làm Chủ Tịch Đảng. Vì lý do sức khoẻ, trước ngày Đại Hội VI, ông tuyên bố rút lui và trong một bức tâm thư tháng 10, năm 2006, ông ủy quyền cho ông Bùi Diễm đứng ra triệu tập Đại Hội. Tại Đại Hội lần thứ VI, ngày 26 tháng 5, 2007, ông Bùi Diễm đã được bầu làm Chủ Tịch Tân Ban Chấp Hành Trung Ương thay thế ông Hà Thúc Ký… Ông Hà Thúc Ký qua đời lúc 12 giờ 10 chiều ngày 16 tháng 10, năm 2008 (nhằm ngày 18 tháng 9 năm Mậu Tý) tại bệnh viện Holy Cross, tiểu bang Maryland, Hoa Kỳ, hưởng thọ 89 tuổi.

Sau đó CTDDĐVCMĐ/ ĐS Bùi Diễm lên chia xẻ: “…Tôi từ miền Đông  được vinh dự đến tham dự buổi tưởng niệm một người bạn, người đồng chí đã khuất núi 4 năm nay và hôm nay anh đã phiêu diêu miền cực lạc… Tôi đã có rất nhiều kỷ niệm với anh vào thời kỳ còn là sinh viên… Ở ký túc xá, không ai bảo ai cùng hoạt động tham gia các hoạt động cho đất nước… trong đó có ngày giỗ Tổ để nhớ tổ tiên nâng cao tinh thần dân tộc, tranh đấu… Khi đó một tổ 3 người, nhưng không ai biết ai, sau đó chúng tôi mới nhận ra nhau cùng là Đảng Đại Việt có nguồn gốc QDĐ… Khi làm việc, anh  Hà Thú Ký luôn vui vẻ để mưu cầu cùng làm việc chung cho đất nước…”

Tiếp theo bà quả phụ Hà Thúc Ký lên chào mừng & cám ơn quan khách, có đoạn nói “ …Từ trước đến nay chưa bao giờ phát biểu trước đám đông, nếu có gì sai sót xin lượng thứ… Tôi thật xúc động vì đã 4 năm qua mà quý vị vẫn nhớ đến anh HTK… Tình sâu nghĩa nặng của các anh chị em trong ĐVCMĐ không những  dành cho người đã khuất núi mà cho cả gia đình chúng tôi. Chúng tôi xin ghi vào tâm khảm và xin cám ơn…”

Nhà Thơ Vũ Thùy Nhân, ĐVCMĐ lên đọc thơ do bà sáng tác để tưởng nhớ CT Hà Thúc Ký .

Mở đầu những lời phát biểu của quan khách, Phó T T Tạ Đức Trí lên phát biểu “…Nhân dịp dự lễ tưởng niệm cố CT Hà Thúc Ký, tôi càng hiểu rõ chủ nghĩa Dân tộc Sinh tồn, nhân bản… là kim chỉ nam của ĐVCMĐ đã ảnh hưởng công cuộc tranh đấu cho VN. Cuộc đời của cụ Hà Thúc Ký nối tiếp ĐT Trương Tử Anh qua chủ nghĩa Sinh Tồn và suốt 37 năm tại hải ngoại các phụ huynh đã dẫn dắt con em đi học Việt ngữ, bảo tồn văn hóa dân tộc… Chúng tôi hãnh diện là người VN…”

Tiếp đó cựu Dân Biểu Trương Văn Nguyên, em của ĐT Trương Tử Anh lên tưởng nhớ cụ Hà Thúc Ký có đoạn nói “…Tôi ngưỡng mộ phu nhân của cụ Hà Thúc Ký, thật xứng đáng cương vị Phu Nhân hiền thục, không bao giờ xuất hiện phát biểu trước đám đông…Người ta thường nói HTK là một nhà độc tài. Nhưng nói đến ĐVCMĐ là  có đảng  quy và tối mật như không được chụp ảnh chung, tiết lộ bí mật của đảng… vì thế không thể cởi mở oan oan nói ra ngoài… Nó là những tế bào riêng biệt, bộ phận này không ảnh hưởng bộ phận khác…Do đó  HTK là người lảnh đạo thì phải quyết đóan chứ không phải độc đoán…”

Nối tiếp Phó CT Tân ĐV Lê Minh Nguyên, đại diện các đảng phái chính trị lên chia xẻ sơ qua về CN Sinh Tồn… Được tóm tắt qua bài thơ do anh sáng tác Sống Còn Với Dân Tộc: Sinh Tồn nguồn gốc bản năng- Trong ba tiểu bản giảm tăng môi trường- Bản năng vị kỷ đo lường-Bản năng tình cảm nối đường cháu con- Bản năng xã hội sắc son-Dân ta tranh đấu giữ non nước nhà-Muốn thắng thì phải có ba Sức mạnh, biến cải, thiết tha hợp quần- Văn minh định chế không ngừng- Phát huy Dân tộc thắm nhuần bản năng.

Sau cùng GS Nguyễn Thanh Liêm lên phát biểu: “…Tôi không phải người trong Đảng ĐV hay đảng phái nào. Tôi không có cơ hội gặp gỡ Ô. Hà Thú Ký. Nhưng đã biết cụ Hà Thú Ký đã sống thanh đạm, đã đi xe đạp để nhận chức Tổng Trưởng Nội Vụ… Sau đó ở ngoại quốc, tôi đã có dịp biết rõ hơn về cụ HTK… Tất cả con người, giá trị ở phần tinh thần…”

Buổi lễ chấm dứt, mọi người chưa có dịp thắp hương đã lần lượt lên bàn thờ dâng nén hương tưởng niệm nhà cách mạng HTK trong không khí bùi ngùi và sau đó dự buổi cơm chay do BTC khoảng đãi trong không khí thân mật.

Quý vị muốn biết hoạt động của ĐVCMĐ xin liên lạc về  anh Nguyên Dzuy  số phone (714 ) 838-1099.

Nguyễn Ninh Thuận, (18/10/2012)

Source : Viet Bao

A lire sur Mémoires d’Indochine : “Lire les mémoires de Hà Thúc Ký” par Nguyen Van Canh

Potrait de l’article extrait du Faire-part de décès sur Tributes (Mr. Ky Thuc Ha Obituary).