[ndlr] A l’âge de 95 ans, le chercheur Nguyen Dinh Dau réaffirme son point de vue sur la réconciliation nationale. Extrait d’un article du quotidien Lao Dong et d’un entretien publié dans le journal Sport et Culture le 13 avril 2015.
“Chúng ta chỉ nói đến thắng – thua thì chưa đủ”
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu chia sẻ tại buổi gặp mặt nhân chứng lịch sử kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, do Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam và Ban Thường trực UB MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức sáng 26.4 tại TPHCM.
Ông Đầu khẳng định:
“Nói về Đại thắng Mùa xuân 30.4.1975, nếu chúng ta chỉ nói đến thắng và thua, nếu chúng ta chỉ nói đến độc lập thống nhất về phương diện lãnh thổ mà chúng ta không có hoặc ít nói đến, hay chúng ta nói chưa đúng về yêu cầu đột phá tinh thần hoà hợp, hoà giải dân tộc thì chưa đủ. Hòa hợp, hòa giải dân tộc để đưa đến thống nhất trong tâm hồn của tất cả con người Việt Nam không phân biệt tôn giáo hay ý thức hệ để hàn gắn vết thương và thăng tiến dân tộc Việt Nam thành một nước hòa bình, độc lập, biết yêu nhau, cùng với thế giới xây dựng hòa bình. Chúng ta đã làm được nhiều việc, chúng ta đã làm gần 100%, và nếu chúng ta xây dựng đoàn kết dân tộc cũng gần bằng 100% thì chúng ta thắng lợi toàn diện”.
Source : Lao Dong, 13/04/2015.
“Hòa hợp là mẫu số chung của dân tộc”
“Sự kiện ngày 30/4/1975 là một trong những thời khắc đặc biệt của lịch sử Việt Nam… Tình yêu quê hương, lòng tự tôn dân tộc luôn giúp cho người Việt Nam hành động thuận theo lẽ phải, theo đại nghĩa và vượt qua những thử thách hiểm nghèo nhất. Vậy nên, mỗi người Việt Nam hôm nay cần phải coi trọng việc hòa hợp dân tộc là một trách nhiệm lịch sử tự nguyện”.
* Từ góc nhìn của một nhà nghiên cứu, ông có nhận xét gì về việc hòa hợp, hòa giải dân tộc bằng văn hóa trong 40 năm qua?
– Nếu không có một nền văn hóa dân tộc mạch lạc, không biết tôn trọng, đoàn kết và thương yêu nhau thì không thể tồn tại cho đến ngày nay. Và, bảo vệ sự hòa hợp dân tộc bằng văn hóa chính là bảo vệ Tổ quốc, xây dựng văn hóa cũng là xây dựng đất nước.
Theo quan sát của tôi, nền văn hóa chúng ta đã, đang và chắc chắn sẽ được bảo vệ, duy trì và khuếch trương. Nhưng nền văn hóa ấy cần tiếp tục được làm cho sáng rõ để cùng nhau tiến bước trên con đường hòa hợp dân tộc, phát triển đất nước tốt hơn nữa.
* Ông vẫn nói “nhưng”, nghĩa là còn chưa hài lòng?
– Tôi thấy về vấn đề đoàn kết dân tộc bằng văn hóa chúng ta mới có những chỉ thị. Còn nền văn hóa của Việt Nam mang bản sắc như thế nào thì chưa làm sáng rõ ra được. Vì thế, chúng ta cần phải giáo dục, xây dựng không chỉ con người khoa học, con người kinh tế mà cả con người văn hóa nữa. Dù mỗi người có một đường hướng, khuynh hướng chính trị khác nhau, nhưng mẫu số chung là, đều vì tương lai của đất nước Việt Nam.
Có như thế, người Việt Nam mới luôn giữ được bản sắc riêng của mình trong thời đại mới. Bản sắc ấy chính là tình yêu quê hương và lòng tự tôn dân tộc. Tình yêu quê hương, lòng tự tôn dân tộc luôn giúp cho người Việt Nam hành động thuận theo lẽ phải, theo đại nghĩa và vượt qua những thử thách hiểm nghèo nhất. Vậy nên, mỗi người Việt Nam hôm nay cần phải coi trọng việc hòa hợp dân tộc là một trách nhiệm lịch sử tự nguyện.
Đất nước thống nhất không chỉ là sự thống nhất về địa lý, mà quan trọng hơn, là thống nhất lòng người |
Lire l’ensemble de l’entretien : The Thao & Van Hoa, 13/04/2015.