Archives de catégorie : Recensions d’ouvrages

“Lire les mémoires de Hà Thúc Ký” – Contribution à l’histoire du parti Đại Việt par Nguyễn Văn Canh

[ndlr] En préambule de son très long compte-rendu de lecture intitulé “Lire les mémoires de Ha Thuc Ky”, Nguyen Van Canh a pris le soin de préciser qu’il ne l’a pas écrit dans un esprit partisan. Membre lui-même du parti Dai Viêt Cach Mang [Parti Révolutionnaire du Dai Viêt] et secrétaire général du Bureau politique de ce parti avant 1975, il entend mettre de côté cet engagement pour proposer une recherche impartiale à partir de sa lecture des Mémoires du chef du parti décédé en octobre 2008. Pour autant, Nguyen Van Canh ne s’interdit pas d’intervenir de façon limitée dans sa recherche pour confirmer les dires du chef du parti à partir de sa propre expérience personnelle au sein de cette organisation politique.

Il se propose également de replacer quelques événements dans une perspective plus large dans l’intention d’éclairer le lecteur sur certains points de détails historiques. Et ceci pour permettre de mieux saisir les motivations de la lutte politique des nationalistes révolutionnaires vietnamiens pour une « juste cause » à la fois contre le colonialisme et le communisme. Il rappelle que des « mémoires politiques » sont par nature la retranscription des activités politiques d’une personne dans un contexte historique donné. De ce fait, les mémoires incluent des explications sur les faits relevant parfois de la seule connaissance de l’auteur. Enfin, il souligne qu’à travers ses mémoires, Ha Thu Ky n’entend pas se dédouaner de ses propres actions commises tout au long de sa lutte politique comme c’est le cas, selon lui, de certains mémoires d’outre-mer publiés ces dernières décennies.

Nous ajouterons de notre côté que les mémoires de dirigeants politiques de partis non communistes sont assez rares pour mériter d’être signaler en tant que source historique. En ce qui concerne le parti Dai Viêt plus précisément, peu de témoignages internes ont été publiés ces dernières années. Outre les trois tomes des mémoires de Pham Van Lieu parus en 2002-2004 (Van Hoa, Houston) et les mémoires de Bui Diem (1987 en anglais et 2000 en vietnamien), il n’existait jusqu’alors pas de témoignage direct de dirigeants de ce parti. Nguyen Ton Hoan (décédé en 2001), Nguyen Ngoc Huy (décédé en 1990) n’ont, semble-t-il, pas laissé de mémoires personnels sur leurs activités politiques ou bien ceux-ci n’ont pas encore été publiés. D’autres personnalités influentes de ce parti comme Dang Van Sung, Phan Huy Quat ou Tran Viet Son sont décédées sans retracer leur action politique très riche dans le Viêt-Nam en révolution et en guerre. A ce titre, les mémoires de Ha Thuc Ky constitue un témoignage rare qui contribue à la compréhension de la guerre civile vietnamienne.

Réf. : Hà Thúc Ký, Sống còn với Dân tộc, hồi ký chính trị, s.l. : Phương Nghi, 2009.

* * *

Đọc cuốn Hồi Ký của Hà Thúc Ký

Nguyễn Văn Canh

 

PHẠM VI BÀI VIẾT:

1.Tôi viết bài này không phải với tư cách một đảng viên Đại Việt, lại càng không phải trên cương vị một Tổng Thư Ký Chính Trị Bộ, Đại Việt Cách Mạng trước thời kỳ 1975, viết về cuốn Hồi ký của Chủ Tịch Đảng. Bài viết được soạn thảo với danh nghĩa một người đứng ở vị trí làm nghiên cứu để cho được vô tư. Trong một giới hạn nào đó, một số ít những gì có liên hệ với hoạt động của tôi sẽ được nhắc tới ở đây, chỉ với mục đích là để chứng minh những gì đã xảy ra mà tác giả đã kể lại là đúng.

2. Trong một phạm vi có giới hạn, tôi lược duyệt, có khi khai triển thêm những điều mà tác giả trình bày trong cuốn Hồi Ký “Sống Còn Với Dân Tộc” súc tích này, với ý định là để giúp cho người đọc có một cái nhìn đầy đủ hơn, để từ đó hiểu được nội dung của nó.

Qua tóm lược cuốn Hồi Ký này, độc giả đã hình dung ra hình ảnh sự cố gắng đóng góp của các đảng cách mạng quốc gia trong sứ mạng cứu nước trước các nguy biến, nhất là những hi sinh vô bờ bến của các cá nhân đã dấn thân vào con đường hiểm nguy vì mục đích cao cả này. Tất nhiên, những gì mà tác giả cuốn Sống Còn Với Dân Tộc thực hiện là biểu tượng cho một số đóng góp ấy.

3. Hồi Ký chính trị là tài liệu ghi lại các sự kiện như hoạt động của một người trong bối cảnh lịch sử mà tác giả đã trực tiếp hay gián tiếp tham dự. Dĩ nhiên, trong phạm vi này, nó gồm cả những giải thích sự việc trong phạm vi hiểu biết của tác giả. Độc giả thế hệ này hay mai sau nhờ thế biết được những gì đã xảy ra, chiêm nghiệm để rút ra một bài học về một giai đoạn lịch sử, để sử dụng hay ứng dụng khi phải đối phó ngay cả trong trường hợp cá biệt, riêng của mình.

Điều đặc biệt là cuốn Hồi Ký của Hà Thúc Ký không phải là tài liệu biện bạch cho những hoạt động của mình như đã thấy một số hồi ký xuất hiện tại hải ngoại trong vòng mấy chục năm nay.

Cụ Hà Thúc Ký
01/01/1919 -16/10/2008

 

I. CUỘC ĐỜI

Sau khi tốt nghiệp Kỹ Sư Thủy Lâm tại Đại Học Hà Nội năm 1943, tác giả đã được nhà cầm quyền Pháp bổ nhiệm làm Phó Quận Trưởng Thủy Lâm tại Năm Căn, Cà Mau. Tác giả đã chiếm được địa vị cao và lương bổng ưu đãi trong xã hội thời bấy giờ. Đó là chưa kể đến các lợi lộc mà ngành thủy lâm mang lại cho cá nhân. Dù có điều kiện đi theo con đường hoạn lộ để vinh thân phì gia, vì tác giả đã lọt vào guồng máy hành chính khép kín của chính quyền bảo hộ thời đó, tác giả có thể không cần phải đổ mồ hôi, nước mắt thêm nữa để được thụ hưởng thành quả những cố gắng của mình; nhưng bầu huyết nóng của một thanh niên có lý tưởng phụng sự như tác giả, nên tình hình đất nước diễn biến trong thời điểm ấy là những quan tâm canh cánh bên lòng của tác giả.

Tình hình miền Nam vào lúc đó có nhiều biến chuyển dồn dập. Trước hết là Nhật đảo chính, loại Pháp ra khỏi vị trí đô hộ Đông Dương vào ngày 9 tháng 3, 1945. Kế đó, mấy tháng sau, ngày 15 tháng 8, Nhật đầu hàng đồng minh. Tại miền Nam, tháng 9, 1945, quân đội Anh đến Sài gòn để tước khí giới quân đội Nhật theo kế hoạch Postdam của các đại cường thắng trận. Việt Minh cướp chính quyền ở Hà Nội vào ngày 18 tháng 9, 1945. Sau khi vào miền Nam, Quân đội Anh tái võ trang cho 1,400 quân nhân Pháp mà trước đây Nhật bắt làm tù binh. Việt Minh thiết lập Ủy Ban Hành Chánh và Kháng Chiến Nam Bộ.  Ngày 22 tháng 9, quân Pháp nổ súng chiếm Sài gòn.

Chiến tranh chống Pháp bắt đầu tại miền Nam. Trước tình trạng rối rắm này, tác giả trở về Thừa Thiên – Huế. Ưu tư trước sự xâm lăng của thực dân Pháp trở lại đặt ách thống trị trên quê hương, tác giả quyết định không trở về Cà Mau nữa, và cũng như nhiều thanh niên thời đó đã ồ ạt hăng hái tham gia phong trào chống Pháp.

GIA NHẬP GIẢI PHÓNG QUÂN

Tác giả tìm cách gia nhập “Giải Phóng Quân” (lực lượng quân sự Việt Minh), với một tinh thần giống như của bao nhiêu thanh niên cùng thế hệ là “lăn xả vào công cuộc đấu tranh cho dân tộc” và “tin tưởng vào vận hội mới của đất nước.” Như tác giả đã nói “vừa qua thời kỳ bút nghiên, lại quẳng hết sự nghiệp để đầu quân… giải phóng”.

Đó là những hi sinh cao quí của các chàng trai thế hệ xung phong lên đường cứu nước. Ngay khi xin gia nhập “Giải Phóng Quân”, tác giả được bạn bè hướng dẫn vào Ban Đặc Vụ Quân Sự, để làm thủ tục. Lúc này, Ban Đặc Vụ đang cần một chỉ huy trưởng cho đơn vị “Đặc Vụ Quân Sự Lào, đường số 9”. Đơn vị này thuộc lực lượng Việt Minh mà Ủy Ban Hành Chính và Kháng Chiến Trung Bộ cử sang trợ giúp lực lượng “Lào Độc Lập” của hoàng thân Souphanouvong (sau này là lãnh tụ Lào cộng), đối đầu với quân đội Pháp. “Pháp muốn lật lại thế cờ, chuẩn bị mở lại chiến trường Lào…Nếu giữ được quốc lộ 9 là  ngăn chặn quân Pháp kéo về chiếm Khe Sanh và Lao Bảo, uy hiếp Đông Hà, Quảng Trị.”

Dù chưa làm giấy tờ gia nhập, tác giả đã nhận nhiệm vụ khó khăn này trong khi không có một kiến thức quân sự và tình báo tối thiểu, gồm cả đến cách sử dụng võ khí, cũng như chưa từng bắn một phát súng nào từ trước. Khi đảm nhiệm chức vụ chỉ huy một trung đội Đặc Vụ quân sự, tác giả và đơn vị lập tức lên đường đi Tchepone, Lào.

Tại đây, tác giả và những thành viên trung đội được cố vấn của lực lượng Việt Minh huấn luyện về quân sự. Họ là cựu sĩ quan Nhật không chịu đầu hàng đồng minh, ở lại phục vụ trong hàng ngũ Việt Minh.

Nhiệm vụ của đơn vị này là thu thập và cung cấp tin tức về hoạt động của quân Pháp, còn đóng rải rác dọc quốc lộ 9, cho lực lượng Việt Minh. Tác giả bắt tay vào việc thiết lập mạng lưới thu thập tin tức trong khu vực cho quân giải phóng.

Lực lượng Việt Minh quyết định tấn công quân Pháp ở NaKoi. Quân số của Việt Minh có chừng một tiểu đoàn hành quân trong khu vực này, trong khi đó lực lượng của Pháp là một trung đoàn đóng rải rác trong khu vực. Việt Minh tấn công trước. Vì quân Pháp rất mạnh, nên cuối cùng, Việt Minh yếu thế, phải rút lui, chạy về Mường Phin. Bất ngờ quân Pháp truy kích và bao vây căn cứ. Bộ đội Việt Minh chỉ chống đỡ cầm chừng, rồi tìm cách chạy trốn, rồi phân tán trú ẩn trong các nhà của dân chúng địa phương.

Vào tháng 12 năm 1945, Ủy Ban Hành Chánh Kháng Chiến Trung Bộ cử viên chính ủy đến Khe Sanh để họp với các chỉ huy lực lượng Việt Minh từ Lào về. Kết thúc buổi họp, tác giả đưa ra  một nhận xét trái ý viên chính ủy ấy, và ngay sau đó được chỉ huy trưởng lực lượng Việt Minh cảnh giác rằng tác giả sẽ bị rắc rối về sau và cùng với lời khuyên của viên cố vấn quân sự người Nhật rằng tác giả nên rời khỏi Lào “càng sớm càng tốt, và nên vào Nam hay ra Bắc, chứ đừng về Huế, vì nơi đó  nằm trong vòng kiềm tỏa của viên chính ủy và tay chân bộ hạ của anh ta”. Đồng thời, tác giả nhận được điện tín bằng mật mã của người bạn, làm trong Ban Đặc Vụ ở Huế khuyên tác giả phải rởi khỏi Lào gấp, vì “viên chính ủy đã vu cáo tác giả là đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng”. Đó là một “thành phần phản động, vô cùng nguy hiểm”. Như vậy, tính mạng tác giả đã thực sự bị đe dọa trước mắt.

Tác giả rời Lào vào tháng 1 năm 1946, rồi trở lại Hà Nội.

II. DẤN THÂN VÀO HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG

Trở ra Hà Nội lần này, tác giả ghi danh vào trường Dược để tránh dòm ngó và theo dõi của Việt Minh Cộng Sản. Với ngụy trang đó, được sống tại Đông Dương Đại Học Xá như khoảng 5 hay 6 năm về trước, tác giả đã lăn xả vào họat động tiếp tục.

Từ tháng 2 năm 1946, tác giả tuyên thệ gia nhập Đại Việt Quốc Dân Đảng tại Hà Nội.

Công tác đầu tiên được giao làm Trưởng Ban Báo Chí Nội Thành. Nhiệm vụ là thu góp, biên soạn, sản xuất và phân phối các tài liệu huấn luyện cho đảng viên, và tuyên truyền ra ngoài quần chúng. Ngoài ra, tác giả còn được giao công tác đặc biệt mà Đảng Trưởng ra lệnh.

Vào thời đểm này, Việt Cộng hoạt động mạnh và có ưu thế tại Hà Nội kể từ khi chúng cướp được chính quyền ngày 19 tháng 8 năm 1945. Lực lượng tình báo của chúng rải ra khắp nơi để ám sát, bắt cóc, và đem thủ tiêu những người mà chúng cho là kẻ thù hoặc chống lại chúng. Tại Đông Dương Đại Học Xá, có một chi bộ Cộng Sản chuyên lo công tác này, dưới danh nghĩa Sinh Viên Cứu Quốc. Một số bị sa bẫy và bị thủ tiêu. Đó là trường hợp Phan Thanh Hòa, sinh viên Nha Khoa, bị Sinh Viên Cứu Quốc dụ lên Phú Thọ và thủ tiêu tại đó. Phan Thanh Hòa là anh ruột chị Phan Thanh Bình, về sau là chị Nguyễn Tôn Hoàn. Ngoài khuôn viên đại học, biết bao nhiêu trí thức yêu nước, không chịu hợp tác với Cộng Sản, hay thuộc Đại Việt hoặc Việt Nam Quốc Dân Đảng cũng bị Hồ Chí Minh áp dụng các biện pháp tương tự. Đảng Trưởng Đại Việt là Trương Tử Anh có tin cho biết là bị mất tích tại Hà Đông và bị thủ tiêu vào thời gian tháng 12 năm đó (1946). Lãnh tụ Lý Đông A của Đại Việt Duy Dân cũng ở trong tình trạng như thế. Đặng Vũ Trứ, con trai BS Đặng Vũ Lạc cũng bị mất tích v.v…

Hoạt động báo chí kể cả phân phối tài liệu học tập trong hoàn cảnh này rất khó khăn, phải được ngụy trang cẩn thận tránh sự phát hiện của tình báo Cộng Sản. Ngay khi di chuyển trên đường phố, cũng phải canh chừng bọn chúng theo dõi. Sinh sống hàng ngày, nhất là ở khu tập thể như Đại Học Xá, cũng phài tính toán như thế nào để Sinh Viên Cứu Quốc, không nghi ngờ, dù chúng thường xuyên rình mò.

Nhân dịp này, tôi thấy cần nhấn mạnh đến phương thức liên lạc để hiểu biết các khó khăn, gian khổ của các nhà cách mạng Việt Nam trong giai đoạn lịch sử này. Mọi liên lạc để báo cáo lên hay nhận chỉ thị từ cấp trên xuống đều được bố trí nghiêm ngặt để sống còn. Và chỉ có một đường dây duy nhất với một người được chỉ định để tránh tiết lộ và đề phòng cả trường hợp phản bội.

Trường hợp của tác giả, thì chỉ nhận lệnh của Đảng Trưởng Trương Tử Anh qua phái viên duy nhất phụ trách liên lạc, Nguyễn Tất Ứng (về sau là Bộ Trưởng Xây Dựng Nông Thôn của Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương, bị tử nạn máy bay sau ít tuần lễ nhậm chức). Chỉ thị là lên đường về Huế làm phụ tá Xứ Ủy cho Bác Sĩ Bửu Hiệp. BS Hiệp đã được cử vào Trung phục vụ với cương vị Xứ Ủy trước đó. Cùng một phương thức liên lạc qui định trước, Bác Sĩ Nguyễn Tôn Hoàn cũng nhận được lệnh mật như vậy để trốn tránh VC vì “đang bị theo dõi để ám sát”. Một hôm đang khám bệnh tại bệnh viện Phủ Doãn nằm trên đường Quán Sứ, Hà Nội, BS Hoàn được lệnh của chính Đảng Trưởng Trương Tử Anh qua phái viên phụ trách liên lạc là phải rời bỏ công việc tức khắc và được người hướng dẫn đưa đến một ngôi nhà ở đường Quan Thánh, vì Việt Cộng đang theo dõi khắt khe. Nằm trên căn gác của ngôi nhà ấy vài ngày, BS Hoàn được bí mật đưa đến Hải Phòng và từ nơi đây, người đồng chí tên Minh đưa BS Hoàn xuống một chiếc thuyền đi Hồng Kông, và sau đó BS Hoàn được đưa đến Nam Ninh, Trung Hoa.

Cũng như trước đó không bao lâu, vào cuối năm 1945, Đảng Trưởng Trương Tử Anh bí mật cử 2 đồng chí đầu tiên là Nhân và Tín vào Nam Kỳ để lập cơ sở và phát triển Đảng. Nhân là bí danh của GS Phạm Đăng Cảnh, có một thời gian làm Giám Đốc Nha Tư Thục Bộ Quốc Gia Giáo Dục của Việt Nam Cộng Hòa trước 1975. GS Cảnh hiện ở Rennes, Pháp. Tín là bí danh của GS Nguyễn Tấn Thành, thuộc trường Đại Học Luật Khoa, Sài Gòn. GS Thành đã qua đời tại Niles, Pháp, hơn 10 năm trước đây. Một người thứ 3 được cử vào Nam là Lễ. Lễ hay Mười Lễ là bí danh của Nguyễn Văn Hướng, về sau, năm 1967, làm Tổng Thư Ký Phủ Tổng Thống cho TT Thiệu, trong những ngày đầu của chế độ nền đệ II Cộng Hòa. Có một người khác được đưa vào sau là Nghĩa, được nói là bí danh của Nguyễn Văn Kiểu, anh ruột của TT Thiệu, làm Đại Sứ tại Đài Loan cho đến khi Việt Cộng chiếm miền Nam Việt Nam.

LÀM XỨ ỦY TRUNG KỲ.

Ngày 19 tháng 11 năm 1950, Việt Minh ám sát BS Bửu Hiệp. Đóng vai là một bệnh nhân, cán bộ ám sát Việt Minh xin vào khám bệnh mà phòng mạch đặt tại nhà ở Huế. Tên sát nhân bắn nạn nhân vào đầu trong lúc đang ăn cơm, và BS Hiệp gục chết tại chỗ. Tên sát nhân về sau đã đền mạng. Tác giả được lệnh thay thế BS Hiệp, để phát triển Xứ Ủy Trung Kỳ từ đó.

Cho đến 1950, Đại Việt đã phát triển rất mạnh ở Huế. Nhiều người theo Việt Minh đã nhận ra được âm mưu của họ Hồ. Nhiều thanh niên, trí thức biết rõ Việt Minh, nên đã bỏ hàng ngũ Việt Minh và gia nhập Đại Việt. Đó là nguyên do VC ám sát BS Bửu Hiệp. Đây là biện pháp khủng bố “làm nhụt nhuệ khí của Đảng Đại Việt.”

Xứ Ủy Trung Kỳ “nhắm vào giới trẻ là thành phần tràn đầy năng lực để lôi cuốn giới sinh viên, đồng thời tìm cách đưa người vào các cơ quan chính phủ, nhất là chú trọng vào vấn đề an ninh tình báo để đối đầu với Cộng Sản nằm vùng”. Chính vì thế mà chương trình bình định tại tỉnh Quảng Trị do cán bộ Đại Việt hỗ trợ dưới thời hai Tỉnh Trưởng Trần Điền (bị VC bắt và giết vào dịp Tết Mậu Thân ở Huế) và GS Nguyễn Văn Mân (hiện ở Texas, Hoa Kỳ) là hai tỉnh trưởng được ca ngợi rất thành công. Quảng Trị là tỉnh địa đầu của miền Nam, và dĩ nhiên là mục tiêu ưu tiên của Cộng Sản Bắc Việt nhắm vào, đặt hạ tầng cơ sở, để từ đó dùng Quảng Trị làm đầu cầu thôn tính miền Nam.

Đảng ủy Huế -Thừa Thiên được phát triển mạnh để làm bàn đạp cho Đại Việt phát triển ở miền Trung.

III. VỤ BIẾN ĐỘNG VÀ CHIẾN KHU BA LÒNG

NGUYÊN NHÂN: tranh giành ảnh hưởng trong nội bộ gia đình họ Ngô.

Hiệp định Genève được ký vào 21 tháng 7 năm 1954. Việt Nam bị chia làm hai. Hiệp định qui định Việt Minh Cộng Sản (Cộng Sản) phải rút về bên kia vĩ tuyến 17, và ranh giới phân chia hai miền là cầu Hiền Lương, nằm trên sông Thạch Hãn, Quảng Trị. Để thi hành hiệp định, CS phải rút quân đội ra khỏi căn cứ của chúng, tập trung lại để di chuyển ra Bắc (tập kết ra Bắc). Cũng nên để ý đến một sự kiện là tại một số nơi như ở Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam v.v… quân Việt Cộng đã chống trả quân đội quốc gia đến tiếp thu. “Máu đã đổ để thu hồi đất đai cho tổ quốc “.

Thời gian này, Trần Điền là tỉnh trưởng Quảng Trị. Cán bộ Đại Việt ở địa phương “xung phong” hợp tác với tỉnh trưởng để tiếp thu các căn cứ địa ấy. “Chủ trương này được Thủ Tướng Ngô Đình Diệm (lúc đó mới lên cầm quyền) chấp thuận, khi ông đi kinh lý miền Trung hồi đầu năm 1955″, tuy nhiên lại bị ngấm ngầm chống đối bởi một số người tại địa phương”. Hồi Ký nhấn mạnh rằng họ là “chân tay của Cố Vấn Chỉ Đạo miền Trung, ông Ngô Đình Cẩn”… Mâu thuẫn này là nguyên nhân chính đưa dẫn tới sự đụng độ về mặt quân sự giữa hai bên, về sau này được gọi là Biến Động Ba Lòng”. Vì tại địa phương, “cấp trên của tỉnh trưởng Trần Điền là Đại Biểu Chính Phủ Trung Phần có những tính toán khác và bất thần quyết định hủy bỏ kế hoạch tiếp thu Ba Lòng, dù đã bắt đầu thực hiện.

Ba Lòng là một chiến khu quan trọng của Việt Minh Cộng Sản thuộc tỉnh Quảng Trị, nằm sát biên giới Lào. Kế hoạch tiếp thu ấy đã được chấp thuận, và đã được các sĩ quan gốc Đại Việt thi hành một phần. Hai đại đội Cảnh Bị do sĩ quan gốc Đại Việt chỉ huy đã vào chiếm giữ chiến khu. Còn hai đại đội khác chờ ngày xuất quân là lên đường. Đúng sáng ngày xuất quân, trong một buổi lễ trọng thể trước tòa Hành Chánh Tỉnh đang cử hành, Tòa Đại Biểu Trung Phần gủi cho tỉnh trưởng Quảng Trị một công điện hủy bỏ kế hoạch tiếp thu Ba Lòng.

Vì quyết định quá đột ngột này làm cho những sĩ quan gốc Đại Việt phụ trách đi tiếp thu Ba Lòng “ngỡ ngàng và đẩy họ vào hoàn cảnh không biết phải hành động thế nào cho phải. Rồi họ phản ứng theo cảm tính và chống trả…”

Hồi ký có nói rằng “Đại Việt khi chống trả lại nhà cầm quyền địa phương và tuyên bố ly khai quả thật là sai trái”. Hà thúc Ký viết: “Một số chi tiết không được giải thích, tại sao chính quyền địa phương lại đi ngược lại hẳn với chính quyền trung ương?. Họ không được giải thích?. Rồi đến khi (quân đội) tấn công, họ không được một cơ hội biện bạch !”

Kế hoạch tiếp thu các căn cứ của VC gồm cả chiến khu Ba Lòng như thế nào?

“Tỉnh Trưởng đề nghị lên Trung Ương qua Tòa Đại Biểu Chính Phủ Trung Phần kế hoạch phối trí lực lượng và đã được chấp thuận như sau: Tỉnh có 10 đại đội Cảnh Bị (sau này gọi là Bảo An, rồi sau cùng là Địa Phương Quân) được sử dụng để tiếp thu căn cứ của VC. Mỗi đại đội gồm 150 người. Riêng tại căn cứ Cùa và Ba Lòng, lực lượng tiếp thu là 4 đại đội. Sau khi tiếp thu, Ba Lòng sẽ trở thành một quận hành chánh kiểu mẫu. Đại Úy Nguyễn Ngọc Cứ được tỉnh trưởng cử làm Quận Trưởng, kiêm Tiểu Đoàn Trưởng. Sau Tết Nguyên Đán (1955), trong khi chờ đợi sự vụ lệnh chính thức làm Quận Trưởng, Đại Úy Cứ được lệnh Tỉnh Trưởng đem hai đại đội lên Ba Lòng trước để chuẩn bị tiếp thu và gây dựng cơ sở. Đại Úy Cứ chia lực lượng ra làm hai cánh: một đại đội đi đường thủy, ngược sông Thạch Hãn và một đại đội đi đường bộ lên Cam Lộ, vào Ba Lòng qua ngả Kho Muối.

Hai đại đội còn lại tiếp tục ở Thị Xã, chờ làm lễ xuất quân chính thức, rồi lên đường.

Sau đó ít hôm, Tỉnh Trưởng Trần Điền ký sự vụ lệnh bổ nhiệm Đại Úy Cứ làm Quận Trưởng, kiêm Tiểu Đoàn Trưởng Cảnh Bị Ba Lòng, đồng thời ấn định ngày 19 tháng 2, năm 1955 làm lễ xuất quân. Buổi lễ được tổ chức trọng thể trước tòa Hành chánh Tỉnh, dưới sự chủ tọa của Tỉnh Trưởng Trần Điền để tiễn đưa tân Quận Trưởng và 2 đại đội Cảnh Bị còn lại lên đường.

Vào 8 giờ sáng ngày 19 tháng 2 năm 1955, trong lúc đang làm lễ xuất quân trước Tòa Hành Chánh Tỉnh Quảng Trị, đột ngột nhận được công điện từ Huế đánh ra, ra lệnh đình chỉ chiếm đóng Ba Lòng. Tỉnh Trưởng Trần Điền quyết định rằng đoàn quân cứ tiến hành theo chương trình đã định. Ông sẽ thương nghị với thượng cấp”.

Tỉnh Trưởng Trần Điền và Thiếu Tá Hoàng Văn Hiền, Chỉ Huy Trưởng Cảnh Bị (Bảo An) Tỉnh về trình diện Tòa Đại Biểu Chính Phủ ở Huế. Quyết định của Trần Điền bị Đại Biểu Chính Phủ coi là “bất tuân thượng lệnh’. Sau đó, Tỉnh Trưởng được ra về, còn Thiếu Tá Hiền bị đưa sang Nha Bình Trị giam lỏng. Trần Điền phản đối và đòi ở tù tại Huế cùng với Thiếu Tá Hiền.

LỆNH GIẢI GIỚI TRỰC TIẾP BAN RA CỦA CỐ VẤN NGÔ ĐÌNH CẨN

Ông Ngô Đình Cẩn cho mời GS Nguyễn Văn Mân của Đại Việt đến, ra một tối hậu thư là các đơn vị ở Ba Lòng phải trở về thị xã và nộp tất cả võ khí. Ông Cẩn còn nặng lời rằng không tuân lệnh, thì sẽ bị dẹp, tới lúc đó tất cả sẽ vào ngồi tù. GS Mân khẳng khái trả lời: “Chúng tôi hân hạnh ở tù dưới chế độ cụ Ngô.”

Năm ngày sau, Bộ Tư Lệnh Quân Khu II ra lệnh cho một tiểu đoàn Bộ Binh, một đại đội Thiết Giáp đưa Thiếu Tá Hiền về Quảng Trị, đến thẳng văn phòng Tỉnh Đoàn Bảo An, buộc ký lệnh thu hồi tất cả võ khí của các đại đội ở các quận và thị xã đem về nộp vào kho của tỉnh đoàn, buộc Thiếu Tá Hiền ra lệnh cho tiểu đoàn ở Ba Lòng trở về thị xã. Sau đó Thiếu Tá Hiền được trả tự do và tước hết quyền hành. Ngay chiều hôm đó, Thiếu Tá Hiền đi thẳng lên Ba Lòng. Ngoài ra, vì thấy chính quyền quyết định như vậy, Thiếu Tá Phạm Văn Bôn, Chỉ Huy Trưởng Tiểu Đoàn Khinh Quân 610 đang đóng quân ở Quảng Nam và  Đại Úy dù Phạm Văn Đồng với một trung đội Dù nghe tin như vậy, tuyên bố ly khai và kéo quân về Ba Lòng.

“Chính quyền đã dồn họ vào thế phải chống đối dù biết rằng đằng nào cũng gặp nguy hiểm”. Anh em sĩ quan gốc Đại Việt quyết định “đã bị dồn vào chân tường, thì chỉ còn cách là ‘họ đánh thì mình đỡ’. Đằng nào cũng vào tù, nhưng ngẩng mặt mà vào tù, không chịu áp bức, không chấp nhận sự bất công.”

QUÂN ĐỘI TẤN CÔNG BA LÒNG

Đệ Nhị Quân Khu điều động 3 tiểu đoàn thiện chiến nhất để lập thành Đòan Quân Thứ Lưu Động lên Ba Lòng. Sau đợt tấn công đầu tiên không vào được mục tiêu, vì Chỉ Huy Trưởng chiến dịch là Trung Tá Phan Văn Cách không có ý định ‘tàn sát lẫn nhau’. Bộ Tư Lệnh đệ II Quân Khu đưa Trung Tá Lê Văn Nghiêm lên thay thế. Quân đội dùng công binh mở đường để đem đại bác vào tận Đá Nổi để tác xạ vào Ba Lòng. Cầm cự đến ngày 9 tháng 3, năm 1955, quân trú phòng bị bất ngờ khi quân chính phủ tiến vào phía sau, chiếm kho đạn và lương thực. Ba Lòng thất thủ. Lực lượng Đại Việt rút về Ba Hi, bên kia biên giới Lào.

Ngày 10 tháng 3, Ban chỉ huy quyết định giải tán lực lượng. Th. Tá Hiền và Đại Úy Cứ dẫn một số anh em về Quảng Trị. Họ bị giam ỏ nhà lao Thừa Thiên cho đến 1977, Tòa quân sự Huế mới đưa ra xét xử. Còn chừng 100 người ở lại và lén về ẩn náu tại làng Ven. Tại đây, một số chết dần vì bệnh tật, hoặc sa vào tay Việt cộng. Ít người khác lẻn về Huế, rồi cuối cùng cũng bị bắt.
Chung cuộc,Tỉnh trưởng Trần Điền bị cách chức và loại ra khỏi ngạch công chức. Những sĩ quan chỉ huy Ba Lòng, người thì bị án tù, khổ sai và một số vắng mặt bị khổ sai chung thân.

Nhận xét về biến cố Ba Lòng:

Dựa trên các sự kiện được trình bày trong cuốn Sống Còn Với Dân Tộc, người đọc thấy rõ được sự mẩu thuẫn giữa chính quyền Trung Ương với  chính quyền địa phương. Sự việc này bắt nguồn từ ở mối nguy cơ mất chức của  viên Đại biểu Chính Phủ tại Trung Phần Việt nam: Nguyễn đôn Duyến.

Trong cuộc viếng thăm Quảng Trị vào đầu năm 1955, Thủ tướng Diệm ngợi khen Tỉnh Trưởng Trần Điền về thành quả đã đạt được, ban cấp Bảo Quốc Huân Chương, chấp thuận kế họach tiếp thu các căn cứ VC, và lại công khai nói rõ ý định của Thủ Tướng Diệm là sẽ đưa Trần Điền làm Đại Biểu Trung Phần.

Kẻ sắp bị mất chức trong trường hợp như vậy như Nguyễn đôn Duyến phải tìm cách diệt kẻ “thù” của mình. Có như thế, thì mới giữ được ghế của mình. Dưới triều Ngô, ai cũng biết có nhiều trung tâm quyền lực trong nội bộ gia đình của TT Diệm :Giám Mục Ngô đình Thục, Ngô đình Nhu, Ngô đình Cẩn. Những nhân vật này được coi là trung tâm quyền lực thực tại ( de-facto), nghĩa là không có chức vụ chính thức trong chính quyền, ngay cả đến luật pháp căn bản để thiết lập ra quyền lực ấy cũng không có. Và mọi người đều hiểu rằng họ là Cố Vấn của  Ông Diệm. TT Diệm là người nắm quyền chính thống , được Hiến Pháp ban cấp quyền hành. Chính ông nhiều khi lại không hành sừ quyền của mình liên quan đến những vấn đề của quốc gia. Quyền hành của TT Diệm  bị chi phối bởi những người thân trong gia đình của ông. Chi phối ở đây không có nghĩa là anh em ông Diệm gây ảnh hưởng đối với trung tâm quyền lực chính thống là ông Diệm, mà là hạn chế quyền hành của ông, có khi thay thế hay vướt quá cả quyền hành của ông. Vì nhu nhược trước các hành động của các trung tâm quyền lực khác  của gia đình, mà nhất là gia đình có truyền thống phong kiến, Ông  Diệm không dám hay không thể nắm hay hành sử quyền hành mà Hiến Pháp, hay là gọi là do  quốc dân giao phó.

Trường hợp vụ Biến Động  Ba Lòng là một thí dụ. Kẻ sắp mất chức là Nguyễn đôn Duyến. Làm Đại biểu chính phủ ở Trung Phần Việt nam, Ông Duyến đã phải được che chở của trung tâm quyền lực ở địa phương là ông Ngô đình Cẩn. Nếu không có sự chấp thuận của ông Cẩn, ông Duyến hay bất cứ ai không thể có địa vị nào ở Miền Trung. Trong thời gian nhà Ngô cai trị, người ta đã chứng kiến nhiều trường hợp sự lạm quyền đã xảy ra và ông Diệm đều lặng thinh. Thí dụ Đoàn Công Tác Đặc Biệt Miền Trung  dưới quyền điều khiển của  Dương văn Hiếu hoạt động tài Sài gòn. Đoàn này do Ông Cẩn từ Huế lập ra, chỉ đạo và không  thống thuộc hệ thống An ninh của Trung Ương. Quyền hành của nhóm này còn mạnh hơn hay cao hơn cả hệ thống an ninh chính thức cuả quốc gia.Như vậy phạm vi “ảnh hưởng” của ông Cẩn không chỉ giới hạn ở Miền Trung. Hậu quả là có nhiều tướng lãnh, bộ trưởng v.v. từ Sài gòn bay ra Huế để chúc tết hay dự ngày sinh nhật của ông Cố Vấn Miền Trung để mưu cầu một ân huệ.

Nhờ  quyền hành  rất lớn như thế của ông Cố vấn và là người đỡ đầu, ông Duyến đi tới  quyết định chấm dứt kế hoạch tiếp thu Ba Lòng đã được ông Diệm chấp thuân từ trước và đã bắt đầu thi hành một phần rồi. Lại ra lệnh chấm dứt vào đúng phút chót  là lúc tổ chức “lễ xuất quân” để đánh vào mặt và hạ uy tín Trần Điền. Lệnh của ông Duyến dù có trái với quyết định  trước đó của chính ông Diệm, nhưng lệnh ấy vẫn được ông Diệm  hợp thức hóa bằng cách  trừng phạt, và bắt bớ, truy tố “các kẻ thù” của ông Duyến về tội “phá rối trị an”, và “vi phạm an ninh quôc gia”.  Tỉnh trưởng Trần Điền là mục tiêu của ông Duyến. Ông Trần Điền và các sĩ quan Đại Việt trong công tác tiếp thu chiến khu Ba Lòng, dù sẵn sàng chấp nhận phải đổ máu, là nạn nhân của tranh chấp quyền hành trong gia đình Nhà Ngô. Lệnh hủy bỏ kế hoạch tiếp thu Ba Lòng của ông Duyến được ông cố vấn Cẩn chính thực “bao yểm” khi ông Cẩn mời GS Nguyễn văn Mân tới “nhà”, để “chỉ thị”  rằng sĩ quan Đại Việt phải giải giới về trình diện tại Quảng trị, nếu không  sẽ bị bỏ tù.

Tôi có gọi điện thoại nói chuyện với cựu Thượng Nghị Sĩ  Mân , hiện tại ở Texas về vấn đề này. TNS Mân xác nhận rằng có trả lời ngay ông Cẩn rằng ” Đại Việt chúng tôi rất vui mừng ở tù dưới triều đại cụ Ngô”.  Hành động của chính quyền địa phương đã dồn sĩ quan Đại Việt vào vị trí phải chống trả lại , nghĩa là họ quyết định “ngẩng  đầu lên mà đi”. Cũng vì  hành vi “ngẩng đầu mà đi” này đối với người em của ông Diệm, là Cố Vấn Cẩn, mà GS Mân bị tòa án quân sự phạt tù 6 năm, dù GS Mân không có một hoạt động nào dính líu đến vụ Ba Lòng. Lý do được viện dẫn trong bản án là : phá rối trị an và vi phạm an ninh quốc gia.

IV. NHÀ NGÔ ĐÀN ÁP ĐẠI VIỆT

Hồi ký nói: “Từ 1956, Đại Việt bị chính quyền dồn vào tình thế bất lợi. Các hoạt động của Đảng không những bị ngưng trệ và càng ngày càng lâm vào bế tắc”.

Đẩ làm sáng tỏ vấn đề này,  hồi 1992 , BS Nguyễn tôn Hoàn kể với tôi rằng ” sau khi ông Diệm ở Mỹ về, thì thái độ của ông ấy  thay đổi hẳn. Trước khi xuất ngoại, vì tôi là người đứng đầu phong trào  Đại Đoàn Kết và Hòa Bình để vận động yểm trợ ông ấy. Ông ấy còn dặn ông Nhu rằng cần phải vận động khối Hòa Hảo và Cao Đài và phải nhờ BS Hoàn giúp liên lạc và giới thiệu. Ông Diệm còn nói rằng hai giáo phái đó không chấp nhận hợp tác với ông Nhu. BS Hoàn phải đích thân đưa ông Nhu đến gập các nhà lãnh đạo của hai khối này để giải quyết vấn đề hợp tác để ủng hộ ông Diệm. Nay thấy ông Diệm tỏ vẻ thờ ơ và có thêm được tin tức về âm mưu đàn áp đối lập đã lộ rõ. Ngay trong giai đoạn đầu cũng đã có tin  việc thủ tiêu Nguyễn bảo Toàn, Vũ tam Anh (1)…. Tôi thấy có một mối nguy hiểm cho tôi. Tôi đến gập ông Diệm và nói rằng tôi cần đi ngoại quốc. Ông Diệm hỏi tai sao tôi muốn đi như vậy. Tôi trả lời thẳng với ông Diệm rằng: ” Nêu tôi ở lại, có ngày anh sẽ giết tôi.” Kế đó, ông Diệm gọi ông Nhu vào văn phòng, bảo ông Nhu: ” làm thủ tục để BS Hòan xuất ngoại.”

Rồi, ngày 3 tháng 4 năm 1957, Tòa án quân sự Sài gòn xử  tù một số đảng viên Đại Việt thuộc Xứ Bộ Miền Nam trong số này có ông Phan thông Thảo; và ngày 7 tháng 10,1958 , tòa quân sự Nha Trang cũng xử một số Đảng viên Đại Việt. Thí dụ Bà Trương thị Thỉnh, em ruột của Đảng trưởng là một nạn nhân, bị 3 năm tù. Tất cả bị qui tội “phá rối trị an” và bị án tù, dù họ không có liên hệ gì đến vụ Ba Lòng. Ngoài ra, Trương tử An, một em ruột khác của Đảng trưởng Đại Việt bị thủ tiêu vào giai đoạn này. (2).

V. ĐÓNG GÓP VÀO CÔNG VIỆC XÂY DỰNG DÂN CHỦ, TỰ DO Ở THƯỢNG TẦNG

A). CỦNG CỐ LỰC LƯỢNG QUỐC GIA TRONG CÔNG CUỘC GIÀNH CHỦ QUYỀN DÂN TỘC KHỎI TAY NGƯỜI PHÁP, VÀ  THAM DỰ VÀO CÔNG TÁC VẬN ĐỘNG PHÁT HUY CHÍNH NGHĨA QUỐC GIA

1. PHONG TRÀO ĐẠI ĐOÀN KẾT VÀ HÒA BÌNH, 1953.
Tình hình đất nước vào năm 1953 rất bấp bênh, lòng dân phân tán. Các phe phái dằng co, những người chủ trương Nam Kỳ tự trị sau khi thất bại âm mưu của họ tỏ ra bất mãn và chống đối tích cực. Thục dân Pháp đã được người Anh thỏa hiệp cho vào Sàigon, và Tàu nhượng cho Pháp vào Miền Bắc và nay ở trong vị thế lăm le  đặt ách thống trị trở lại, dù Pháp đã ký hiệp ước trao trả độc lập cho Việt nam.

Về phía Việt minh, thì Hồ chí Minh đã  được Mao viện trợ quân trang, quân dụng để phát động đấu trang võ trang qui mô. Mao cử  Trần Canh sang làm cố vấn về mặt quân sự, viện trợ quân trang quân dụng cho Hồ để đánh Pháp. Dưới sự chỉ đảo của Trần Canh, quân Việt Minh thắng trận đầu tiên tại Cao bằng, Lạng sơn (1950),  rồi những năm kế đó,  dồn quân Pháp lui vào vùng Trung Châu, Bắc Phần, gây rối tại nhiều khu vực do Pháp kiểm soát. Dưới sụ lãnh đạo chính trị của Lã quí Ba, Hồ cải tổ chính quyền, chuẩn chị công cuộc Cải Cách Ruộng Đất, thiết lập hệ thống thuế để củng cố thế lực. Tại Miền Bắc Trung Phần,  Việt minh cộng sản kiểm soát được nhiều nơi và các vùng phía Nam Trung Phần trở thành các khu vực tranh chấp giữa Pháp và Việt minh.

Trước tình thế đó, các lãnh tụ Đại Việt quốc dân Đảng của ba miền: BS Nguyễn đình Luyện thuộc Xứ ủy Bắc Kỳ, BS Nguyễn tôn Hòan, Xứ ủy Nam Kỳ, và Kỹ sư Hà thúc Ký, Xứ ủy Trung Kỳ họp và quyết định ra thành lập Phong trào Đại Đoàn Kết và Hòa Bình. Mùa thu năm 1953, phong trào ra đời. Mục đích là kêu gọi Quốc trưởng Bảo Đại “cải tổ định chế (cơ cấu chính quyền), thay đổi nhân sự để đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của tình thế và áp lực với Pháp trao trả độc lập thực sư cho Việt nam.”

Phong trào được thành lập và tại 3 Miền Nam Trung Bắc, mỗi miền có một Ban Đại Diện. Tại Trung  Phần, Ngô đình Nhu làm chủ tịch và tác giả làm Phó. Sự việc này chứng tỏ một điều là Đại việt nói chung và tác giả nói riêng , vì ý thức quyền lợi và tương lai của  dân tộc, đã vận động thành lập Phong trào với mục đích đòi lại chủ quyền thực sự cho dân tộc khỏi tay của thực dân Pháp. Chúng có âm mưu đặt ách thống trị trở lại, sau khi chúng đã bị Nhật bản đảo chánh chừng một thập niên trước đó. Hơn thế nữa, tập hợp này sẽ  tạo một sức mạnh của toàn dân chống lại sự bành trướng của Công sản Việt nam có sự tiếp sức và chỉ đạo của Cộng sản quốc tế, nhất là của Tàu cộng. Ngô đình Nhu với tư cách là Chủ Tịch Phong Trào tại Trung Phần lại lập thêm một bộ phận tham mưu riêng gồm một số tay chân thân tín tại Sài gòn (Nam Phần), ở nơi đây là phạm vi hoạt động đã được giao cho BS Nguyễn tôn Hoàn chịu trách nhiệm.  Bộ phận này của Ngô đình Nhu chống lại một số người Ban chỉ đạo Phong trào của Miền Trung và như đã nói, chính Ngô đình Nhu làm Chủ tịch. Để giải quyết mâu thuẫn nội bộ này, Đại Việt cử ông Đoàn Thái ( hiện cư ngụ tại Fort Smith, AR)  làm trung gian, tiếp tay hòa giải.

Ngày 6 tháng 1, 54  Phong trào ra mắt tại Sài gòn với 100 đại biểu của các tố chưc thành viên. Tại buổi họp này, Phong trào biểu quyết một lá thư gửi Quốc trưởng Bảo Đại thỉnh nguyện cải tổ định chế, triệu tập Quốc Hội và ban hành Hiến pháp. Phong trào ‘hậu thuẫn cho Ngô đình Nhu và nhóm công giáo ủng hộ Ngô đình Diệm, vả gây được tiến vang khắp ba Kỳ’.

Về mục tiêu giành lại chủ quyền, thì “ngày 4 tháng 6 năm 1954, Thủ tướng Pháp Lauriel và Thủ tướng Việt nam Bửu Lộc ký thỏa ước thi hành Hiệp Định Elysée để kiện toàn độc lập cho Việt nam.”

Phong trào Đoàn Kết và Hòa Bình lúc đầu gồm nhiều nhận vật, gồm cả những người thân Pháp. Về sau, Phong trào chỉ còn gồm có Đại Việt Quốc Dân Đảng, Việt nam Quốc Dân Đảng, Việt Nam Phục Quốc Hội, Phục Quốc Quân,các giáo phái Cao Đài, Hòa Hảo và các tổ chức Công Giáo.

2. MẶT TRẬN DÂN CHỦ XÃ HỘI QUỐC GIA,1969.

Vào thời kỳ sau Tết Mậu Thân (1968), phong trào phản chiến tại Mỹ lên cao, gây một áp lực mạnh đối với chính quyền Hoa Kỳ. Mục tiêu  của chúng là đòi hỏi cắt đứt mọi hỗ trợ tài chánh cho Việt nam Công Hòa, và rút quân đội Mỹ ra khỏi Miền Nam, để Miền Nam tự chống đỡ lấy, tự  mình chống lại sự xâm lăng của Cộng Sản quốc tế mà Cộng sản Việt nam  là một thừa sai.

Để làm nhẹ bớt áp lực đó, Đại sứ  Bunker, đại diện chính quyền Hoa Kỳ kêu gọi các đảng phái quốc gia tập hợp xung quanh chính quyền của TT Thiệu thành một tập thể rộng lớn, hỗ trợ cho mục tiêu chống lại Cộng sản mưu toan đánh chiếm Miền Nam.

Tôi và chủ tịch Hà thúc Ký đi họp một số buổi  họp với các chính đảng có biểu lộ ý định ngồi lại với nhau trong Mặt Trận.

Tromg buổi cuối cùng, mở rộng gọi là khoáng đại hội nghị của các chính đảng gồm khoảng 100 đại biểu  của các chính đảng ấy do Nguyễn văn Hướng triệu tập, các đại biểu bầu 3 đại diện lên làm chủ tọa đoàn để điều khiển Hội Nghị. Ba đại diện đó là Trịnh quốc Khánh, Ngô Khắc Tỉnh và tôi. Tôi đề nghị một cuộc hội ý riêng, tại chỗ giữa 3 người chúng tôi  để xác định qui tắc và phương pháp sinh hoạt  cho hữu hiệu, cũng như đề cử  một người làm đại diện của chủ tọa đoàn đứng ra điền khiển  hội nghị. Chủ tịch Khánh và Dược sĩ Tỉnh đồng thanh cử tôi  lãnh trách nhiệm này, vì lý do ” trẻ hơn và năng động…”

Chúng tôi đã hoàn tất nhiệm vụ một cách tốt đẹp và Mặt Trận đã ra đời.

Chủ đích của Đại Việt Cách Mạng tham gia Mặt Trận, không phải chỉ để tiếp tay cho chính quyển Hoa Kỳ phản ứng lại phong trào phàn chiến tại Mỹ. Đại Việt Cách Mạng còn muốn đóng góp thực sự  vào công tác bảo vệ “hạ tầng ” chống lại sự khuynh loát của Cộng sản. Đó là loại các phần tử VC nằm vùng tại nông thôn ra khỏi thôn ấp, củng cố và lành mạnh chính quyền nông thôn để từ đó xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.

Vào thời điểm này, tài liệu nghiên cứu của tôi cho biết rằng với trận Tổng Công Kích Tết Mậu Thân, hạ tầng cơ sở của Việt Cộng đã bị vỡ nát. Con số chi bộ VC được ước tính chỉ còn độ 400 trên toàn quốc. Tuy nhiên các chi bộ này không toàn vẹn. Có chi bộ chỉ còn bí thư. Chi bộ khác còn một vài ủy viên… Chúng phải lẩn trốn, y như thời kỳ sau hiệp định Genève.

Tôi là người viết kế hoạch để Chủ Tịch Ký đưa ra cho Hội Đồng Chỉ Đạo của Mặt Trận có trụ sở ở đường Bà Lê Chân, Sàigon, thuyết phục các thành viên đóng góp sức mình vào công tac trọng đại này.

Không một chính đảng trong Mặt Trận có thực lực dải rộng trên toàn lãnh thổ. Vì thế kế hoạch trù liệu sự phối trí nhân sự và hoạt động linh động. Ở nơi nào một đảng nào mạnh nghĩa là nhiều đảng viên đảm nhiệm công việc nặng nhọc hơn, với sự hỗ trợ của cá đảng khác. Ở những nơi không có hiện diện của một đảng nào, chính quyền địa phương phải lo bố trí nhân sự thay thế. Điểm quan trọng là các cơ sở của Mặt Trận ở địa phương có nghĩa vụ cung cấp tin tức về ‘hạ thầng cơ sở ‘của VC để  chính quyền quyết định. Như vậy, Mặt Trận không dẫm chân lên chính quyền, hay cản trở hoạt động của chính quyền..

Trong cái gọi là chiến tranh nhân dân của Mao trạch Đông mà Hồ được huấn luyện để thực hiện, thì đơn vị đảng CS  ở hạ tầng đóng vai trò quan trọng. Ngoài công tác kiểm soát dân chúng bằng bạo lực ( khủng bố), hạ tầng cơ sở của VC là các chi bộ đảng thu thuế bằng nhất là hiện vật ( như lúa gạo) và  huy động ( bắt buộc) nông dân vận chuyển lúa gạo để tồn trữ ở một nơi nào đó khi quân đội hành quân đi qua có lương thực để ăn. Hạ tầng cơ sở VC còn làm nhiệm vụ tình báo, nghĩa là tìm kiếm và cung cấp tin tức cần thiết để cho quân đội hành quân… Muốn lảm được hai công tác này (dĩ nhiên còn nhiều công tác khác), đơn vị Đảng  ấy ở nông thôn luôn sử dụng mọi biện pháp có thể có để đạt mục tiêu của chúng. Hạ tầng VC là người trong thôn xóm. Chúng biết từng người trong thôn ấp. Chúng dùng mọi thủ thuật để vận động mỗi cá nhận, từng cá nhân vào họat động mà chúng muốn, quan trọng hơn hết bằng là bạo lực, kể cả khủng bố: ám sát, giết chóc v.v.. nếu cần.  Mọi cá nhân đều sợ, nên phải ‘thi hành.’ Nhiều cá nhân bị áp lực nhận công tác nhỏ  như vậy, góp vào thành công việc lớn. Tuy nhiên, ở nơi nào VC không xâm nhập được, vì không có ‘hạ tầng cơ sở nằm vùng”, VC không làm gì được. Đó là vùng Hòa Hảo. Đó là vùng người công giáo sống  tập trung. Nhiều khu vực Quảng trị, Thừa thiên, Quảng nam, Quảng ngãi, Qui nhơn,  Phú yên,  ở những nơi Đại Việt và VNQDD mạnh,  lả những thí dụ khác. Điều quan trọng trong Kế hoạch này là các đảng phái tại nông thôn là một tập thể bảo trợ cho các cá nhân, nên VC không thể hay khó có thể vận dụng được. Hơn nữa, mỗi cá nhân biết được có đoàn thể của mình hậu thuẫn, hướng dẫn, nên có can đảm đứng ra ‘tố cáo’ các phần tử khả nghi hay nằm vùng (các vùng Hòa Hảo và Công giáo cũng vậy) qua tập thể của mình. Còn mỗi cá nhân riêng rẽ  ở nông thôn bị  VC tiếp xúc, thường giữ kin đáo, lặng yên vì sợ, nhất là ám sát hay bắt cóc là biện pháp VC thường sử dụng  Trong tình thế này, họ thường bị lôi cuốn vào vòng ảnh hưởng của VC. Đó là điểm mấu chốt cho sư thành công trong công tác vận động của CS.

Kế hoạch này chẳng bao giờ được mang ra thi hành. Khi viết kế hoạch, tôi không có ảo tưởng rằng Chủ tịch Đoàn, dĩ nhiên  TT Thiệu lả Chủ tịch của chủ tịch đoàn, có thể hiểu được tầm quan trọng của vấn đề để giải quyết cuộc chiến do CSVN xâm lược. Hơn nữa, những kẻ được đưa vào ngồi trong chính quyền, trung ương cũng như địa phương , dù bằng phương cách nào đi chăng nữa cũng chỉ muốn độc quyền hành động, không muốn chia sẻ quyền hành với bất cứ ai, kể cả e ngại những dòm ngó của kẻ khác…, dù kế hoạch này qui định các ủy ban Mặt Trận  địa phương là một bộ phận tư nhân, đóng góp cho chính quyền bằng cách thu lượm, đánh giá tin tức về VC nằm vùng, giúp cho chính quyền thực hiện công tác bình định trong phạm vi trách nhiệm của họ.

Tác giả  cuốn Sống Còn Với Dân Tộc khi nói về Mặt Trận bị giải thể, nhấn mạnh rằng các thành viên trong Chủ Tịch Đoàn ra đi “không kèn , không trống” . Trái lại, lễ  khai mạc được tổ chức tại rạp Rex ở Sàigòn, long trọng, ‘rầm rộ’.

Tại sao như vậy, tôi nghĩ rằng TT Nguyễn văn Thiệu , chủ tịch Mặt Trận cảm thấy đã đạt mục tiêu về phía Mỹ đòi hỏi rồi, và không cần có lực lượng  nào hẫu thuẫn nữa. Đó là chưa kể đến sự kiện là suốt trong thời gian gọi là hoạt động của Mặt Trận, chẳng có gì xảy ra, ngoài một số buổi họp chiếu lệ, tẻ nhạt, của các chủ tịch trong Chủ tịch đoàn chỉ có tính cách tượng trưng để quảng cáo hay tô vẽ vẻ đẹp cho chế độ. Ông Thiệu cũng chẳng đến họp. Người ta có cảm tưởng rằng các chính đảng tham dự bị TT Thiệu cầm chân. Sau đó, hầu hết các chính đảng có chân tromg Mặt Trận đứng vào vị trí chống đối với TT Thiệu.

Các sự kiện này đưa đến một giải thích thứ hai là âm mưu của TT Thiệu là tiến tới độc tài. Ông Thiệu  cho lập đảng Dân Chủ  với phương tiện của chính quyền để nắm trọn quyền hành trong tay, dù trước đó đã  phải ứng cử độc diễn. Với Luật ủy Quyền được Quốc Hội thông qua để chuẩn bị  ứng cử nhiệm kỳ 3,  với qui chế chính đảng mới thay thế qui chế đã ban hành trước, TT Thiệu đã lộ rõ âm mưu này. Sắc Luật 060 vào ngày 27 tháng 12, 1972 ( trước ngày hết hạn ủy quyền), đòi hỏi các chính đảng phải tái tổ chức trên phạm vi toàn quốc hay là bị giái tán. Rồi đến các luật lệ tiếp theo ban hành vào tháng 5, 1973, giải tán 26 chính đáng hợp pháp. Các đảng đó đã hội đủ điều kiện và đã đăng ký ở Bộ Nội Vụ theo luật Qui Chế Chính Đảng và  đang hoạt động. Nay  chỉ để một mình Đảng Dân Chủ của TT Thiệu hoạt động mà thôi. (3)

Từ 1969, TT Thiệu quá say mê củng cố quyền hành, tập trung nỗ lực quốc gia vào mục tiêu này để tiến tới nắm trọn quyền hành trong tay. TT Thiệu đồng thời cố gắng làm sói mòn lực lương chính trị quốc gia, đến nỗi vào tháng tư 1975, không còn ai cộng tác vào  lúc phải  huy động mọi lực lượng chính trị, cải tổ nội các để đối đầu với Tổng Công Kích của VC nhằm chiếm đoạt Miền Nam.
Thực là thảm thương cho quân dân Miền Nam.

Mặt Trận gồm 6 đoàn thể: Việt nam Quốc Dân Đảng  (gồm phân bộ Vũ hồng Khanh ( Bắc) hợp tác với phân bộ  Nguyễn hòa Hiệp ( Nam, có sự tham dự của LS Trần văn Tuyên), Lực lượng Đại Đoàn Kết  (Nguyễn gia Hiến), Nhân Xã Đảng  (Trương Công Cừu), Lực Lương Tự Do Dân Chủ (Nguyễn văn Hướng), và Dân Chủ Xã Hội Đảng  (Trình Quốc Khánh của Hòa Hảo) và  Đại Việt Cách Mạng.

Về sức mạnh của Mặt Trận, GS John C. Donnell  trong  bài  thượng dẫn của cuốn sách trên, trang 156, có trích dẫn từ tài liệu  ” South Vietnam: Neither War nor Peace” của  Allan E. Goodman đăng trong  Asian Survey (Feb 1970), nói rằng tập hợp này tượng trưng cho 40% lực lượng quốc gia dựa trên kết quả bầu cử 1967.

Drapeau du Parti
Dai Viêt Révolutionnaire

 

B). ĐÓNG GÓP VÀO XÂY DỰNG NỀN TẢNG CHO CHẾ ĐỘ DÂN CHỦ PHÁP TRỊ

1.  DẠI VIỆT CÁCH MẠNG VÀ HIẾN PHÁP VNCH 1967.

Hiến Pháp là văn kiện căn bản thiết lập cơ quan chính quyền của quốc gia trong một chế độ dân chủ pháp trị.

Trước sự xáo trộn gây ra do các tướng lãnh tranh giành quyền lực, và sự lủng củng của chính phủ dân sự Phan khắc Sửu- Phan huy Quát để tiến tới chính phủ quân nhân nắm quyền.  Ban lãnh đạo Đại Việt Cách Mạng đưa ra  kế hoạch 9 điểm để đối phó với tình hình: tuyên bố lập trường đối với quốc tế, đối với Cộng sản , kêu gọi áp dụng các biện pháp cần thiết để chống lại Cộng sản.  Kế hoạch ấy được công bố vào tháng 5 1965.   Điểm 3 của kế họach nói ” Để có chính nghĩa đấu tranh, chính phủ phải nỗ lực tạo dựng điều kiện tiến tới việc tổ chức bầu cử một Quốc Hội Lập Hiến, soạn thảo một Hiến Pháp dân chủ. Sau khi Hiến Pháp được ban hành, phải tổ chức bầu cử các cơ cấu quyền lực quốc gia, thành lập chính quyền dân cử”. Mục đích  điều 3 này là ngăn ngừa  cánh quân nhân có tham vọng nắm trọn quyền hành trong tay ngõ hầu tiến tới độc tài quân phiệt. Như thế là một thảm họa cho Miền Nam. Tránh được độ tài nọ, dân tộc lại phải gánh chịu một độc tài khác, để  rồi sẽ dẫn đến độc tài toàn trị của Cộng sản. Hai phương pháp được áp dụng: Một mặt phải vận động với tướng lãnh có ảnh hưởng trong chính quyền quân nhân, vì tất cả thành viên đều là quân nhân chuyên nghiệp, và mặt khác phải phát biểu quan điểm để làm áp lực. Do đó, có một số cuộc biểu tình đã được tổ chức tại Miền Trung (10 tháng 5, 1965: Tam Ký, Quảng Tín; 17 tháng 5: Hương Trà, Thừa Thiên; 24 tháng 5: Triệu Phong), và tại Miền Nam, ngày 7 tháng 5: Phước Ninh ( quận ChâuThành) Tây Ninh, 31 tháng 5: thị xã Sóc Trang, Ba Xuyên  để đòi hỏi ban hành một đạo luật bầu cử quốc hội lập hiến. Chính quyền quân nhân nhượng bộ, tỏ thiện chí muốn cải tiến chế độ. Vì vậy, các cuộc biểu tình tiếp theo bị hủy bỏ.

Tham dự Bầu Cử Quốc Hội Lập Hiến :

Đại Việt Cách Mạng đã tham dự bầu cuộc cử Quốc Hội được tổ chức ngày 11 tháng 9, 1966 để làm ra một Hiến pháp làm căn bản cho sinh hoạt quốc gia. Trong tổng số 117 dân biểu được bầu, Đại Việt có được 9 dân biểu và 2 cảm tình viên.

Trong Quốc Hội này có 3 Khối, một dân biểu của Đại Việt Cách Mạng là GS Nguyễn văn Ngải được bầu làm Trưởng Khối của một trong 3 Khối. Đó là Khối Đại Chúng.  Ngay trong giai đoạn đầu, đó là một Khối có đa số áp đảo gồm hơn 60 ghế. Khối này có khuynh hướng độc lập.  Các dân biểu khác của Đại Việt được bầu nắm chức vụ trong  ban lãnh đạo Quốc Hội Lập Hiến là: Hoàng xuân Tửu, đệ II Phó Chủ Tịch; Mai  đức Thiệp, Chủ Tịch Ủy Ban Kiểm Tra Kế Toán; Nguyễn hữu Đức, Thuyết trình viên Dự Luật Qui Chế Chính Đảng. Một Dân biểu khác là LS Đinh thành Châu, hiện làm chủ nhà hàng Kobe ở Santa Clara, CA được bầu là Chủ Tịch Ủy Ban Thảo Hiến.

Sau 6 tháng làm việc, ngày 1 tháng  4 năm 1967 Quốc Hội này đã cho ra đời một bản Hiến Pháp làm nền tảng xây dựng nền đệ II Cộng Hòa(4)

2. THAM DỰ VÀO SINH HOẠT TRONG NGÀNH HÀNH PHÁP VÀ LẬP PHÁP.

HIẾN PHÁP VNCH 1967  thiết lập Tổng Thống Chế và quốc hội theo chế độ lưỡng viện, gồm Thượng Nghị Viện và Hạ Nghị Viện.

A.  Bầu cử Tổng Thống: Hiến pháp qui định nhiệm kỳ Tổng Thống là 4 năm. Bấu cử Tổng Thống đầu tiên của đệ II Cộng Hòa được tỗ chức ngày 3 tháng 9 năm 1967.  ĐVCM có liên danh Hà thúc Ký- Nguyễn văn Định với danh hiệu Bông Lúa. Về kết quả bầu cử, thì trong tổng số 11 liên danh, Liên danh Bông Lúa đứng hàng thứ 5.

B. Thượng Viện:
Hiến Pháp 1967 qui định Thượng Nghị Viện VNCH gồm 60 Nghị sĩ. Để bầu 60 nghị sĩ này, các ứng viên phải được tập hợp thành từng liên danh 10 người. Như vậy, cuộc bầu cử đầu tiên sẽ chọn 6 liên danh. Nhiệm kỳ của Thượng viện là 6 năm. Thượng viện cũng  được tổ chức  bầu cử  vào ngày 3 tháng 9 năm 1967.  Đại Việt Cách mạng có một liên danh đắc cử. Đó là liên danh Bông Lúa. Tại cơ quan này, Hoàng xuân Tửu được bầu làm đệ II Phó Chủ tịch; Nguyễn văn Ngải , Chủ tịch Ủy Ban Kinh tế; Phạm nam Sách, Chủ tịch Ủy ban Định Chế Tư Pháp; Nguyễn văn Kỷ Cương, Chủ Tịch Ủy Ban Văn Hóa Giáo Dục.

C. Hạ Viện: Trong các nhiệm kỳ 1967-1971, 1971-1975 có 18 dân biểu.
Về cuộc bầu cử bán phần Thượng Viện, được tổ chức vào tháng 9 1970. Nhiệm kỳ Thượng Viện là 6 năm. Để cho sinh hoạt Thượng viện không bị gián đoạn, Hiến Pháp 1967 qui định rằng cuối năm thứ 3 của pháp nhiệm I, sẽ có một cuộc rút thăm để giữ lại 1/2  là 30 thành viên và  1/2  phải ra đi . Như vậy vào năm 1970, sẽ có cuộc bầu cử bán phần để thay 30 người phải ra đi. Chủ tịch Hà thúc Ký cử tôi đứng đầu liên danh cũng lấy danh hiệu Bông Lúa. Liên danh gồm 10 đảng viên: Nguyễn văn Canh; Đặng văn An ( trung tá Quân đội); Đoàn Ý ( Luật sư); Nguyễn Bào ( Giáo sư Đại Học); Nguyễn đình Hoan ( Giáo sư Đại Học);  Nguyễn văn Mân ( cựu Giáo sư, cựu Thượng Nghị sĩ, pháp nhiệm I); Tôn thất Uẩn ( Kỹ sư  Điện, cựu Thượng Nghị sĩ , pháp nhiệm I); Mai đức Thiệp ( Đốc sự, cựu Thượng nghị sĩ, pháp nhiệm I); Nguyễn văn Đại ( Luật sư) và Nguyễn văn Kỷ Cương ( Giáo sư Đại Học, cựu Thượng nghị sĩ Pháp nhiệm I).

Kết quả được Hội Đồng Bầu Cử tuyên bố ngày 14 tháng 9, 1970: liên danh Bông Lúa được 628,992 phiếu, đứng thứ 6, trong khi đó theo Hiến pháp qui định, thì chỉ chọn 3 liên danh đứng đầu mà thôi.

Ngoài ra, nhiều đảng viên ĐVCM tham dự vào các cơ quan quyết nghị tại các cấp địa phương như Hội Đồng Tỉnh, Thị Xã, và các Xã khắp nơi trên toàn quốc.

Chủ tịch Hà thúc Ký làm Tổng trưởng Bộ Nội Vụ trong một thơi gian ngắn vào 1964  và Hồ văn Châm được cử làm Tổng trưởng Chiêu Hổi (1969).

3. THAM DỰ VÀO CÔNG TÁC BẢO VỆ VÀ CỦNG CỐ VÀ PHÁT TRIỂN  HẠ TẦNG CƠ SỞ MÀ MỤC TIÊU LÀ LOẠI TRỪ VC NẰM VÙNG RA KHỎI NÔNG THÔN.

TẠI MIỀN TRUNG:

A)  CÔNG TÁC BÌNH ĐỊNH TẠI QUẢNG TRỊ dưới thời Trần Điền làm Tỉnh trưởng

Quảng Trị là một tỉnh địa đầu giới tuyến đầy dãy cán bộ cộng sản nằm vùng. Trần Điền, xuất thân là Tri Huyện, được Ngô đình Diện khi chấp chánh bổ nhiệm làm tỉnh trưởng. Biết tới khả năng và thực lực của Đại Việt, Trần Điền tìm đến  sự hợp tác của Đại Việt, nhất là phải đối phó với Việt Minh Cộng Sản trong thời gian chuyển tiếp sau Hiệp Định Genève  được ký kết. Tỉnh đã  đạt: “kết quả vô cùng tốt đẹp là mới hơn nửa năm, tỉnh Quảng trị đã  vãn hồi an ninh và phát triển kinh tế, ổn định đời sống.” Thủ tướng Diệm đến kinh lý Quảng trị vào đấu tháng 1 năm 1955 đã “khen ngọi và ban thưởng Bảo Quốc Huân Chương cho Trần Điền.”

B). CÁN BỘ ĐẠI VIỆT TRONG TỔNG ĐOÀN XÂY DỰNG NÔNG THÔN VÀ CẢNH SÁT THỪA THIÊN, VỚI VỤ BIẾN ĐỘNG MIỀN TRUNG.

Vào tháng 4 năm 1966, Việt cộng lợi dụng thay đổi phương vị Tư Lệnh Quân Đoàn I của Tướng Nguyễn chánh Thi ( bị bãi chưc ngày 10 thảng 3, 66) xúi dục nhóm phản động Miền Trung dưới danh nghĩa Phật Giáo đấu tranh, chống lại chính quyền trung ương. Chúng đốt phá thư viện của Hoa Kỳ tại Huế, đốt luôn cả tư gia của Tỉnh trưởng, Trung tá  Phan văn Khoa, xúi dục đồng bào Phật tử đưa bàn thờ Phật xuống đường gây xáo trộn, cản trở lưu thông làm mất trật tự của thành phố Huế. Tình trạng hỗn loạn, có thể nói là vô chính phủ, bất chấp luật pháp của nhóm đấu tranh lan tràn. Vào lúc này, tinh thần của Tỉnh trưởng Thừa Thiên đã nao núng, có vẻ đã chùn bước, mất tinh thần muốn xuống nước nhường nhóm đấu tranh. Các cơ  quan hành chánh, quân sự tỉnh đã đồng loạt rút về cố thủ tại Hương Thủy do một Đảng Viên Đại Việt làm quận trưởng.

Trong hoàn cảnh đó, cán bộ  Đại Việt Cách Mạng (ĐVCM) được lệnh công khai quyết liệt chống lại chúng. Hơn nữa, ĐVCM được chính quyền trung ương triệt ủng hộ: Ty Cảnh Sát Thừa Thiên được giao cho một Đảng Viên ĐVCM là Trần công Lập chỉ huy để  chế ngự nhóm đấu tranh tại thành phố. Đồng thời, với sự đồng ý của chính quyền, một đảng viên khác là Phùng ngọc Sa, lúc đó đang phục vụ tại sở Ngoại Viện, Bộ Xây Dựng Nông Thôn  đã được điều động ra Thừa Thiên làm Tổng Đoàn trưởng Xây Dựng Nông Thôn. Với trên 1,000 cán bộ trong tay, Phùng ngọc Sa đã góp phần tích cực phối hợp với Đoàn công Lập của Cảnh Sát  đễ giữ vững tình hình tại thị xã cũng như tại nông thôn. Ngoài lực lượng cảnh sát Thừa Thiên và tổng đoàn Xây Dựng Nông Thôn ra, các quận quanh thành phố như Hương Trà, Phú vang, Hương Thủy  từ trước đã  đều do cán bộ ĐVCM chỉ huy. Tất cả đều nhận lệnh của Đảng là phải cương quyết chống lại bọn đấu tranh.

Hai bên, Cộng sản Bắc Việt và các can bộ quốc gia cầm cự từ tháng 4 cho đến tháng 5, 1966, lực lượng chính phủ Trung Ương gốn 1500 Thủy Quân Lục Chiến và các biệt đoàn Cảnh Sát Dã Chiến từ Sài gòn do Tướng Nguyễn ngọc Loan chỉ huy được điều  động ra trực tiếp can thiệp và dẹp tan cái gọi là Khối Phật Giáo Đấu Tranh.

Công tác dẹp bỏ bàn Thờ Phật đã ” xuống đường” là công tác tế nhị, cũng đã được cán bộ Đại Việt dẹp bỏ một cách khôn khéo và  êm đẹp.
Cũng cần nói thêm rằng, vào thời điểm này,Tổng Đoàn Xây Dựng Nông Thôn còn thành công tham dự vào công tác ngăn cản sự bành trướng của VC ở nông thôn, và rồi từ tình trạng thôn xã bị sa sút nhất, mất an ninh, vùng xôi đậu …đã trở thành những thôn xã có an ninh đúng tiêu chuẩn mà Bộ Xây Dựng Nông Thôn đề ra.

Một chi tiết cần thêm ở đây rằng trong cuộc ứng cử Tỗng Thống năm 1967,  có cuộc tranh luận diễn ra tại trường Đồng Khánh, Huế , và liên danh Bông Lúa (của Hà thúc Ký) được nhiệt liệt hoan hô, trái lại liên danh Thiệu Kỳ bị đả kích nặng nề. “Ngay buổi chiều hôm đó, tỉnh đoàn trưổng ( Xâ Dựng Nông Thôn) Phùng ngọc Sa bị cách chức và trả về Bộ và Nguyễn ngọc Cứ bị trung tá  tỉnh trưởng Phan văn Khoa giải nhiệm chức vụ Tỉnh Đoàn Phó và không cho hưởng bất cứ một trợ cấp nào.”…

“Sau Tết Mậu Thân, Tỉnh Đoàn (Xây Dựng Nông Thôn) bị thiệt hại nặng. Trong tình trạng đen tối đó, tỉnh trưởng Thừa Thiên lại tìm Nguyễn ngọc Cứ để giao quyền chỉ huy lại cho Đại Việt Cách Mạng.

Tác giả mạnh mạnh đến một nguyên tắc chỉ hướng là : “nếu muốn thành công phải có sự chỉ đạo sáng suốc của chính trị, dưới sự lãnh đạo của đảng phái chân chính, một công cụ để đấu tranh. Ngược lại muốn áp dụng hay quảng bá một đường lối có lợi cho quần chúng trong một vùng thiếu an ninh, đều kiện cần thiết là phải có sự yểm trợ của bộ phận võ trang. Lý do đó, chính trị và quân sự phải liên hoàn và được  phối hợp chặt chẽ”.

C) TẠI MIỀN BẮC.

Nhân dịp này cũng cần thêm vào công tác bình định và xây dựng nông thôm của Đại Việt ở Miền Bắc, trước năm 1954. Có 3 công tác lớn theo đuổi mục tiêu này.

Tại Bắc Việt, Thanh Niên Bảo Quốc Đoàn (TNBQĐ) do Đỗ văn Năng làm thủ lãnh. Thanh niên BQĐ có cơ sở ở nhiều nơi ở nông thôn. Nha Công An Bắc Phần là do Giám Đốc Nguyễn đình Tại, xuất thân là Tri Huyện điều khiển. Đoàn Quân Thứ Lưu Động (GAMO: Groupements Administratifs Mobiles Operationnels)  dưới sự điều động của Đỗ đình Đạo , rồi Trần như Thuần (cựu Tri Huyện). Công tác của Đoàn Quân Thứ Lưu Động gồm  cả  quân sự  lẫn chính trị: tổ chức lại  và bảo vệ cơ quan hành chánh tại xã ấp sau khi Pháp đã giải phóng khỏi tay Việt Minh Cộng sản. 15  Đoàn Quân Thứ Lưu Động hoạt động mạnh tại nhiều tỉnh ở Miền Bắc.

Vào giữa thập niên 1990, tôi có gập một  sinh viên người Pháp đến xin phỏng vấn để viết luận án tiến sĩ với Đại Học ở Paris về thời kỳ trước Hiệp Định Genève ở Bắc Việt. Anh này cho biết rằng anh ấy có tìm thấy một báo cáo của một Đại Úy Pháp thuộc Tâm Lý Chiến, khuyến cáo Tổng Tư Lệnh Pháp ở Đông Dương đừng ngăn cản Đại Việt  mà trái lại phải trợ lực cho họ hoạt động và thực hiện công tác của họ.

Hơn 30 trang cuối, tác giả nói về những ngày cuối cùng của VNCH. Những chi tiết liên hệ cũng là những tài liệu quí báu để cho những ai muốn biết  về sự kiện trong giai đoạn đen tối của lịch sử dẫn đến Miền Nam lọt vào tay Cộng sản, thay vì Miền Nam phải giải cứu Đồng Bào Miền Bắc khỏi gông cùm của Cộng Sản.

Dưới chế độ Ngô đình Diệm, tác giả sa vào vòng tù tội từ tháng 10 năm 1956 mãi cho tới ngày 3 tháng 11 năm 1963 ( hơn năm năm, kể cả biệt giam tại sà lim), sau ngày đảo chính, mới được thả. Với cách thức đối đãi với tù nhân (như đã mô tả trong cuốn hồi ký này)- một người đã từng cộng tác trong một số phong trào trước đó, để chống lại thực dân và cộng sản, có cả  phong trào Đại Đoàn Kết và Hòa Bình là để ủng hộ chính  Ngô đình Diệm giành đoạt chính quyền với mục đích xây dựng một quốc gia độc lập và tự do, ngoài ra, vợ và con út của  tác giả ( mới chỉ có 3 tháng tuổi) cũng bị giam cầm gần 3 năm, chỉ vỉ chồng và cha tham gia chống đối chế độ, tác giả trong suốt cuốn hồi ký không có một  chữ hay  câu văn ngụ ý đến oán hận nhà Ngô  mà ngược lại còn ca tụng, thương tiếc (tr.360).  Đó là một điểm mà người đọc cần nhận diện qua cuốn tài liệu này.

Về hình thức, lời văn rất thông thoáng, nhẹ nhàng, dễ đọc.  Sắp xếp bố cục có lớp lang. Tác giả đã tài tình dùng một số câu tục ngữ  hay cao dao, hay trong văn chương bình dân để diễn tả một hình nào đó. Thí dụ như “đường dài ngựa mỏi chân bon”; “vật đổi sao dời”; “cảnh cũ còn đó, những người xưa nay đâu?”, “tuyệt tích giang hồ”….

Sống Còn Với Dân Tộc là cuốn hồi ký có giá trị.

 

Notes

(1). Nguyễn bảo Toàn nguyên là Tổng Thư Ký, Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng ( gọi tắt là Dân Xã Đảng) từ thời Đức Huỳnh Phú Sổ còn sống, là Chủ Tịch Hội Đồng Nhân Dân Cách Mạng. Hội Đồng này gồm cả Cao Đài ( Hồ Hán Sơn, đại diện của cánh Nguyễn Thành Phương , ở bên ngoài về và  Nhị Lang của cánh trong nội thành). Ngoài ra, còn nhiều lực lượng khác. Hội Đồng có mục đích là truất phế Bảo Đại qua cuộc trưng cầu dân ý, để  ông Diệm thay thế Bảo Đại , và rồi làm Dự Thảo Hiến Pháp để thiết lập nền Cộng Hòa và Thủ tướng Diệm  sẽ là Tổng Thống. Có người cho rằng sở dĩ Nguyễn bảo Toàn bị thủ tiêu, bắt nguồn từ quan điểm là Hội Đồng chỉ ủy quyền cho ông Diệm 3 tháng để tổ chức  trưng cầu dân ý và lập Hiến Pháp. Riêng điều này không thôi đã làm cho ông Diệm phật lòng, vì giới hạn quyền hành của ông ấy, và là nguyên do của sự ra đi và chống đối của Nguyễn bảo Toàn. Sau đó, ông ta bị thủ tiêu…

(2) Có sự bắt bớ và giam cầm một số cán bộ Đại Việt. Một vài thí dụ tiêu biểu: a) đảng viên gốc miền Bắc: Trần việt Sơn, Nguyễn văn Ngải, Đinh văn Lục…; b) đảng viên gốc Miền trung: Lê phùng Thời, Hà thúc Ký, Đoàn Thái…c) Đảng viên gốc Miền Nam : Lê Xuyên ( tác giả nhiều tiểu thuyết), Nguyễn kim Vui, Đỗ văn Thọ…

Những người này là do Ty Đặc Cảnh Miền Đông bắt.

Các vụ bắt bớ  về sau này mới Đoàn Công Tác Đặc Biệt Miền Trung mà  Dương văn Hiếu là người đứng đầu, thực hiện. Cơ quan Mật Vụ của Nhà Ngô đã áp dụng những hiện pháp tra tấn dã man mà thực dân Pháp để lại đối với các tù nhân. Cưu Nghị Sĩ Nguyễn văn Ngải cho biết cho đến nay ông vẫn còn gánh hậu quả của tra tấn. LS Đinh thạch Bích cũng chịu cảnh đó. Riêng,  đối với KS Hà thúc Ký , Nhà Ngô không áp dụng các hình phạt này.

(3) John C. Donnell , “Prospects for Political Cohesion and  Electoral Competition”, in trong  cuốn ” Electoral Politics in South Vietnam”  của John C. Donnell & Charles A. Joiner , tr.160, Lexington Book, 1974.

(4) Về tài liệu liên quan đến Hiến Pháp đệ II Cộng Hòa, trong thời gian tôi làm Đồng Giám Đốc với Doug. Pike, Dự Án Oral Life History, Văn Khố Đông Dương thuộc Viện nghiên Cứu Đông Á, Đại học Berkeley, tôi có nhờ anh Ngô ngọc Trung, một Viên Chức được cử làm Giám Đốc Điều Hành Dự Án cho sắp xếp lại biên bản của Ủy Ban. Tài liệu này rất dày, lên tới 1 thước tây. Vào khoảng giữa thập niên 1990, khi Doug. Pike chuyển sang Vietnam Center, Tech. Texas University, ông ấy cho chuyển rất nhiều tài liệu của Văn Khố Đông Dương sang Texas. Tôi có lưu ý rằng tập tài liệu này cần được lưu trữ tại Đại Học Berkeley và nay dù Văn Khố này đã giải tán, tập hồ sơ quan trọng này được giao cho Steve Denney cất giữ. Hiện nay Steve đã chuyển sang làm việc tại Tổng Thư Viện của Đại Học Berkeley.

Nguyễn Văn Canh

10 tháng 9 năm 2009

Source : Nguyen Van Canh’s Blog

Sihanouk et l’avenir du Cambodge – par Philippe Devillers [1980]

CR de lecture par Philippe Devillers de l’ouvrage Norodom Sihanouk, Chroniques de guerre… et d’espoir, Hachette-Stock, Paris, 1979, 304 p. (paru dans Le Monde Diplomatique, mars 1980).

 

TÉMOIGNAGE, PLAIDOYER ET PROGRAMME

Sihanouk et l’avenir du Cambodge

 

Sur le conflit cambodgien et la façon d’y mettre fin, Norodom Sihanouk a déjà beaucoup parlé, mais c’est par le livre, par nature moins éphémère, qu’il pouvait le mieux présenter sa réflexion sur les années tragiques que vient de traverser son pays. Par cet ouvrage non conformiste, Sihanouk, une fois de plus, surprend et certainement dérange bien des calculs, car il ne veut visiblement pas jouer le rôle qu’ici et là on lui destinait.

Son livre, d’une lecture presque trop facile, est à la fois un témoignage, une analyse, un plaidoyer et un programme. Sur cette période de l’histoire du Cambodge (1970-1978), l’auteur, par sa qualité, est le témoin politique n° 1. Dédaignant l’anecdote et les « incidentes », son discours « vole haut ». Il a, lui, vécu sinon dans, du moins à proximité immédiate du sérail rouge, et il peut citer les propos qui lui ont été tenus par les dirigeants khmers rouges et qui jettent une clarté nouvelle sur les raisons de leur désastre.

Ces « chroniques » sont d’abord un réquisitoire accablant contre le régime Pol Pot, considéré cette fois non sous le rapport du respect des droits de l’homme, mais sous celui de la défense de l’indépendance du Cambodge. Pour Sihanouk, les Khmers rouges sont les vrais responsables de la guerre et de la défaite, car, animés d’une vietnamophobie insensée, ils ont « provoqué en duel » le Vietnam, qu’ils ont proprement attaqué après l’avoir insulté sans arrêt pendant sept ans. Par une série de citations, il illustre le complexe de supériorité militaire qui animait Pol Pot et les siens à l’égard de ce Vietnam, dont ils croyaient ne « faire qu’une bouchée » , et avec lequel ils désiraient un affrontement armé, pour pouvoir rectifier la frontière et même récupérer la Cochinchine. Sihanouk, dénonçant les « rodomontades » , les pogroms et les agressions armées de ces « Tartarins » , accuse donc Pol Pot d’avoir provoqué la guerre et abouti à la perte de l’indépendance du Cambodge, une indépendance qui, dit-il, n’était déjà plus que « de surface ». La Chine, en effet, avait dû prendre en charge en partie ce « Kampuchea démocratique » dont la politique extérieure était entièrement à la remorque de la sienne.

A la suite de ce désastre, le Cambodge est aujourd’hui occupé par les Vietnamiens. Que faire ? Il faut, certes, rétablir l’indépendance du pays et obtenir le retrait des forces de Hanoï. Sihanouk, cependant, tout en prenant acte de « la haine viscérale du Viet » qui existe « chez les Khmers de toutes tendances ou idéologies » , ne cache pas qu’à son avis cette vietnamophobie ne peut mener qu’à la guérilla et à l’occupation permanentes, peut-être à l’extinction de la race. Ni la famine ni la faillite économique ni les « leçons chinoises » ne contraindront, dit-il, les Vietnamiens à quitter le Cambodge car, selon son expérience, les Vietnamiens n’ont pas l’habitude de céder à ceux qui les insultent ou qui les frappent. La seule chance de les « fléchir » est de leur parler le langage de la fraternité et de la courtoisie.

Sans ambages, Sihanouk déclare que, pour le moment, l’ennemi principal du Cambodge n’est pas le Vietnam mais les Khmers rouges, qui permettent à Hanoï de justifier son occupation. L’armée vietnamienne assure, en effet, la protection de la population contre les tueurs de Pol Pot, et, pour Sihanouk, demander son retrait inconditionnel n’est pas réaliste. S’il préconise de constituer un front uni pour faire pression sur le Vietnam, il entend en exclure complètement Pol Pot et ses partisans, qu’il qualifie de « disciples de Hitler » et accuse de vouloir toujours liquider leurs concurrents.

La « protection » vietnamienne n’est toutefois qu’un pis-aller provisoire. Elle doit être remplacée, le plus vite possible – et c’est là la « solution Sihanouk » – par une neutralisation garantie. Il propose donc un cessez-le-feu (ce qui est dépassé, mais le livre a été écrit en avril 1979), une relève de l’armée vietnamienne par les forces de l’ONU, des élections libres à une Constituante, sous contrôle international, et la négociation d’un régime de neutralité de type suisse ou autrichien, car pour lui le neutralisme est désormais un luxe inaccessible. Il croit que le Vietnam peut accepter pareille solution si lui, Sihanouk, apporte les garanties requises. Et il juge être le seul à pouvoir le faire.

Cet ouvrage au titre ambigu (mais il n’est pas de l’auteur) est en fait un plaidoyer pour la paix et la réconciliation. Tout en dénonçant fréquemment le séculaire expansionnisme vietnamien, Sihanouk demande, en effet, aux Khmers d’ « exorciser leur haine traditionnelle des Vietnamiens et d’oser regarder en face l’inéluctabilité d’une entente honorable et d’une coopération fraternelle entre deux pays qui, placés côte à côte, sont condamnés à coexister jusqu’à la fin des temps » (page 103). Il cite en exemple la France et l’Allemagne, hier « ennemies héréditaires » , aujourd’hui réconciliées, grâce à la lucidité de leurs hommes d’Etat, pour le plus grand bien de l’Europe.

Regardant au-delà des affrontements actuels, et parce qu’il veut que son peuple retrouve durablement la paix, Sihanouk plaide pour une entente entre peuples voisins d’Indochine et en énumère quelques conditions. Il reste à voir quel rôle il croit pouvoir jouer aujourd’hui dans cette réconciliation, notamment dans le contexte d’une nouvelle « guerre froide » à l’échelle mondiale.

Philippe Devillers
* * *
Voir aussi la recension plus critique d’Antoine Spire en ligne sur Persée. Recension parue initialement dans Politique étrangère.
Réf. : Spire Antoine. Chroniques de guerre… et d’espoir Norodom Sihanouk ; L’exode vietnamien. Les réfugiés du Pulau Bidong Patrice Franceschi, Politique étrangère, 1979, vol. 44, n° 2, pp. 376-377.

Les mots de la colonisation : présentation suivie d’un aperçu critique de Jean-Pierre Renaud

Sophie Dulucq, Jean-François Klein, Benjamin Stora (dir.), Les mots de la colonisation, Toulouse, Presses Universitaires du Mirail, coll. Les mots de…, 2008, 127 p.

Présentation de l’éditeur

Cet ouvrage est centré sur la colonisation des 19e et 20e siècles, qui a façonné la France contemporaine et sa relation à de nombreux pays du Sud. L’étude des discours constitue une entrée privilégiée dans la compréhension de ce passé tumultueux. À travers l’analyse d’une centaine de mots – ceux des colonisateurs comme ceux des colonisés, mots de l’historiographie spécialisée, aussi –, où se côtoient bled et brousse, nègre et néocolonialisme, opium et otages, ce kaléidoscope linguistique veut permettre au lecteur d’appréhender la variété et la complexité des situations coloniales.

Fruit de la collaboration d’une quarantaine d’historiens, cet ouvrage a été co-dirigé par Sophie DULUCQ, Professeure à l’Université de Toulouse 2, Jean-Francois KLEIN, Maître de Conférences à l’INALCO et Benjamin STORA, Professeur à l’INALCO ; ils sont respectivement historiens de l’Afrique coloniale, de l’Indochine et du Maghreb.

Avant propos

Le passé colonial constitue l’un des points de cristallisation de la réflexion fébrile qui s’est nouée çà et là autour de l’«identité nationale», au sein d’une société française éminemment diverse dans ses origines. Ainsi en atteste la virulence de débats récents autour de la loi du 23 février 2005, du manifeste des «Indigènes de la République» et des dangers de la «repentance», ou à propos des traumatismes laissés par l’esclavage. Or, on le pressent, les souvenirs de la colonisation ont laissé des traces fort inégales : l’Algérie y occupe une place centrale alors que des pans entiers de ce passé n’apparaissent plus qu’en demi-teinte – par exemple l’Afrique subsaharienne – ou sombrent quasiment dans l’oubli – comme pour l’Indochine, Madagascar ou l’Océanie française.

Pourtant, il y a moins de cent ans, durant l’apogée de l’entre-deux-guerres, cet empire colonial compte près de 100 millions d’habitants, couvre plus de 12 millions de km2 et s’étend sur quatre continents. A la suite des guerres napoléoniennes, le premier domaine colonial, constitué entre le XVIe et le XVIIIe siècle, s’est retrouvé en grande partie démantelé, réduit à quelques «vieilles colonies» que Louis XVIII et Charles X récupèrent tant bien que mal (Antilles, comptoirs de l’Inde et de la côte d’Afrique, la Réunion et quelques archipels de l’Océan indien). Mais la France – comme la plupart des puissances européennes – connaît un second souffle colonial lié, en grande partie, au développement du libéralisme, au retour du patriotisme de drapeau et, surtout, aux besoins de la révolution industrielle. Cette vague, née en 1817, prend de l’ampleur sous la Monarchie de Juillet et le Second Empire pour déferler dans les années 1880-1900. Les conquêtes se succèdent, de l’Algérie (soumise entre 1830 et 1870) au Tonkin et en Annam (de 1883 à 1885), de la Polynésie (1843) à la Nouvelle-Calédonie (colonisée en 1853), de la boucle du Niger à Madagascar (dominés dans la décennie 1890), en passant par la Tunisie et le Maroc (établissement de protectorats, respectivement en 1881 et en 1912). On assiste à la naissance d’un véritable système impérial interconnecté à la métropole grâce aux nouveaux moyens techniques de l’époque. Systématiquement exploité sur le plan économique, l’Empire devient aussi un élément central de l’identité, de la puissance et de la modernité française. C’est cette colonisation des XIXe et XXe siècles qui se trouve être le cœur du présent ouvrage.

Aujourd’hui, le jeu de mémoires souvent antagonistes braque le projecteur sur tout ce pan, un temps négligé, de l’histoire nationale. Les historiens du fait colonial n’ont pourtant jamais cessé de travailler ces questions depuis des décennies. Spécialistes de la «première» colonisation (XVIe-XVIIIe siècles) ou de la «seconde» colonisation (XIXe-XXe siècles), historiens de l’Algérie, des Antilles, de l’Afrique, de l’Indochine, etc., ils ont réussi à accumuler une somme de connaissances approfondies sur le système colonial français et sur l’émergence de sociétés «impériales» (incluant colonisés et colonisateurs), sur la diversité des populations dominées et sur leurs réponses à la présence européenne. Ils ont également contribué à mettre en évidence la complexité d’un phénomène historique protéiforme et ambivalent. Cependant, force est de constater que ces savoirs historiens se sont finalement peu ou mal diffusés hors des cénacles de spécialistes : le cloisonnement des domaines de compétence, ainsi que la faiblesse générale de la demande sociale sur les questions coloniales, ont durablement marginalisé les recherches en histoire de la colonisation.

À partir des années 1960-70, la structuration des laboratoires autour d’«aires culturelles» a limité la recherche collective : l’Empire français s’est bien sûr étendu à tous les continents, mais les chercheurs, rattachés à tel laboratoire d’études «africaines», «maghrébines» ou sur l’«Asie du Sud-Est», ont peut-être parfois perdu de vue l’intérêt qu’il y a à analyser la domination coloniale dans sa globalité. L’actuel regain d’intérêt pour le passé impérial fournit donc l’occasion de renforcer le dialogue entre spécialistes de diverses « expériences » coloniales particulières, de rapiécer, dans le champ du savoir, les morceaux épars de l’Empire français – et ce, non pas dans la perspective de lever le «tabou colonial» qui pèserait sur la société française (tabou largement fantasmé), mais dans la volonté de diffuser auprès d’un large public des connaissances rigoureuses.

Les Mots de la colonisation se proposent donc de participer à ce chantier collectif déjà bien amorcé. Contrairement à un dictionnaire, cet ouvrage n’a pas de prétention à l’exhaustivité, mais il incite à la réflexion à partir d’une sélection – forcément réduite – de termes qui ont tissé la trame coloniale. Dans l’esprit de la collection, nous avons choisi de faire entendre des vocables effectivement en usage au temps des colonies, si datés ou péjoratifs qu’ils puissent paraître aujourd’hui («nègre», «race», «mission civilisatrice»…), mais également de mettre en évidence certains termes qui ont permis aux chercheurs de penser le fait colonial («situation coloniale», «impérialisme»…).

La plupart des termes qui composent ce lexique ont été utilisés d’un bout à l’autre de l’empire français ; à l’inverse, certains des mots retenus ont prospéré dans des espaces plus délimités, en Indochine, au Maghreb ou en Afrique subsaharienne ; d’autres, enfin, correspondent à des notions que manient actuellement les historiens lorsqu’ils analysent l’histoire coloniale de la France. Certaines entrées sont plus descriptives, d’autres plus conceptuelles. Si nous avons essayé de maintenir la balance entre les trois grands pôles de l’Empire – Maghreb, Indochine, Afrique –, ce choix nous a sans doute conduits à évoquer un peu vite les «vieilles colonies» (Antilles, Réunion, Inde) ou les établissements français du Pacifique. En revanche, nous avons veillé à tenir à part égale les approches relevant de l’histoire politique, économique et sociale, tout en réservant une place importante à l’histoire culturelle de la colonisation, chantier historiographique fort dynamique depuis plusieurs années.

L’équilibre de ce petit lexique s’établit au carrefour des mots d’alors et des mots d’aujourd’hui, dans une réflexion sous-tendue par les débats historiographiques en cours. Cette sélection induit des rapprochements parfois incongrus ou cocasses, où se côtoient l’«opium» et l’«outre-mer», où le «broussard» d’Afrique occidentale rencontre la «congaï» vietnamienne. Le télescopage des mots doit permettre une initiation originale à l’histoire de la colonisation et le lecteur saura se frayer son propre chemin dans l’ouvrage. Selon leurs centres d’intérêt, certains s’arrêteront sans doute aux entrées consacrées à telle ou telle partie de l’Empire français ; d’autres choisiront de commencer par les articles les plus généraux, intéressant l’ensemble du domaine colonial ; d’autres enfin préféreront justement de se laisser porter par les associations inattendues, imputables au seul ordre alphabétique.

Puisse ce petit ouvrage fournir un outil de travail commode aux étudiants d’histoire, de science politique, de lettres (etc.), aux enseignants du secondaire et au large public intéressé par ces questions. Puisse-t-il aussi proposer un point d’entrée dans l’histoire contemporaine de la France, dont la dimension coloniale, loin de constituer un épiphénomène, fait partie intégrante de l’histoire nationale. Gageons enfin que ce kaléidoscope de mots contribuera à faire saisir la complexité et la variété des situations coloniales passées.

Sous la coordination de Sophie Dulucq, Jean-François Klein et Benjamin Stora, une équipe d’une quarantaine de spécialistes de la colonisation française a été mise à contribution pour la rédaction de ce livre. La longueur de la liste des contributeurs est un bon indice de la richesse, du dynamisme et du renouveau de l’histoire de la colonisation, mais aussi de la constance et de la continuité de la recherche en ce domaine :

Robert Aldrich, Pascale Barthélémy, Hélène Blais, Claude Blanckaert, Hubert Bonin, Bénédicte Brunet La Ruche, Jean-Pierre Chrétien, Alice Conklin, Henri Copin, Christine Deslaurier, Bernard Droz, Guy Durand, Jacques Frémeaux, Jean Fremigacci, Ruth Ginio, Odile Goerg, Philippe Haudrère, Daniel Hémery, Anne Hugon, Grégory Kourilsky, Hélène Lavois, Philippe Le Failler, Sarah Mohamed-Gaillard, Patrice Morlat, Aurélie Roger, Laurence Monnais, Nguyên Thê Anh, Philippe Papin, Claude Prudhomme, Alain Ruscio, Nathalie Rezzi, Oissila Saaïdia, Francis Simonis, Emmanuelle Sibeud, Pierre Singaravélou, Marie-Albane de Suremain, Isabelle Surun, Frédéric Turpin, Frédéric Thomas, Pierre Vermeren, Laurick Zerbini.

Aperçu sur Google Books

* * * * * *

A propos du livre Les mots de la Colonisation

Jean-Pierre RENAUD

 Un petit ouvrage rédigé sous la direction de trois historiens avec la collaboration d’une quarantaine d’auteurs, spécialistes de la colonisation. Petit livre dont l’ambition est sans doute, et c’est très bien, de simplifier le travail de documentation d’un lecteur curieux du sujet, par rapport à d’autres lexiques ou dictionnaires plus volumineux déjà publiés.

La méthode

Le discours de la méthode proposée par l’ouvrage :

– “Les auteurs ont eu la volonté de diffuser auprès d’un large public des connaissances rigoureuses (p. 4), …à partir d’une sélection – forcément réduite – de termes qui ont tissé la trame coloniale (p. 5),… nous avons choisi de faire entendre des mots effectivement en usage au temps des colonies… La plupart des vocables qui composent ce lexique ont été utilisés d’un bout à l’autre de l’empire français” (p. 5).
– “L’équilibre de ce petit lexique s’établit au carrefour des mots d’alors et des mots d’aujourd’hui, dans une réflexion sous-tendue par les débats d’aujourd’hui” (p. 5).
– “Puisse ce petit ouvrage fournir un outil de travail commode aux étudiants” (p. 6).

La méthode choisie ne court-elle pas le risque d’une confusion inévitablement chronologique compte tenu des termes mêmes annoncés de la sélection, le carrefour des mots d’alors et des mots d’aujourd’hui ? Ne court-elle pas le risque aussi d’une confusion géographique entre des champs historiques arpentés d’un bout à l’autre de l’empire français ?

Dans un article paru dans les Cahiers d’Etudes Africaines de janvier 1960, intitulé “Colonisation – Décolonisation. Essai sur le vocabulaire usuel de la politique coloniale”, Henri Brunschwig écrivait dès la première ligne : “Les vocables politiques s’usent vite et leur sens varie selon les temps et les lieux”. Il donnait quelques exemples de ces faux amis coloniaux.

En premier lieu, celui du terme colonisation, mais aussi celui du mot protectorat qui n’avait pas du tout le même sens selon les périodes de référence et les territoires de conquête, chasse gardée en Afrique avant et après le Congrès de Berlin, en même temps que projet de tutelle ou tutelle en Tunisie, en Annam ou à Madagascar ? Au cours de la période de conquête, les hommes politiques divergeaient d’ailleurs sur le sens de ce concept, ainsi que sur son intérêt.

En commentant le mot protectorat, le petit livre n’a pas repris cette distinction chronologique importante, mais il est vrai que le dictionnaire Liauzu n’en fait même pas mention.

Après pointage, et sauf erreur, sur plus de 120 mots cités, 37% d’entre eux s’inscrivent dans un temps colonial fractionné, et 63% dans un temps complet, temps postcolonial compris.

Sur le plan géographique, 70% des mots s’inscrivent dans le champ colonial ou impérial complet et 30% dans des champs coloniaux déterminés, 7% pour l’Afrique noire, 10% pour l’Extrême-Orient et l’Océanie, et 13% pour l’Afrique du Nord.

Autre question de méthode. De qui sont les mots retenus, des colonisateurs ou des colonisés ? Des premiers sûrement, et rarement ceux des colonisés, et il faudrait le préciser.

La sélection de ces mots résulte-t-elle d’une méthode de lecture statistique éprouvée, par exemple des journaux des différentes époques considérées ? Aucune information n’est donnée à ce sujet.

On pouvait aussi imaginer que la quarantaine d’auteurs aurait pu se réunir, ce qui a peut-être été fait, et qui n’a pas été dit, et qu’ils auraient procédé à un inventaire des mots clés de la colonisation. On ne voit pas en tout cas de différence entre les mots importants et ceux qui le sont moins.

En résumé, un réel apport d’informations, mais entaché de quelques réserves de fond quant à la méthode historique choisie.

Le contenu : des mots justes ?

Congo Océan – Chemins de fer en Afrique (p. 34) : la datation des lignes citées ne correspond pas à la réalité. Le chemin de fer n’atteignit le Niger qu’en 1904.

Conquête (p. 36) : “Les résistances ne peuvent donc s’exprimer que par la guérilla”.

Un commentaire étrange qui ne rend pas fidèlement compte des vraies batailles qui ont eu lieu au Tonkin avec des bandes de pirates et l’armée chinoise, de celles qui ont eu lieu entre les troupes coloniales et les armées de Samory, ou l’armée de Béhanzin, et enfin de celles de Madagascar au débarquement des troupes françaises et lors de leur remontée vers la capitale, avec enfin la prise de Tananarive.

Insurrection malgache (p. 58) : l’évoquant (p. 59) : “Une mémoire d’effroi se constitue, longtemps refoulée du fait qu’après 1960 le pouvoir revint à des collaborateurs des Français – ce qui rend aujourd’hui le travail des historiens très difficile face à une question devenue, pour l’intelligentsia et la diaspora malgache, l’équivalent de ce qu’est l’esclavage pour les Africains et Antillais”.

Première observation : la répression de l’insurrection de 1947 n’a pas été occultée. À titre d’exemple, le livre de Pierre Boiteau paru en 1958, l’évoque longuement, et une multitude d’autres sources, notamment les journaux de l’époque.

Deuxième observation : celle d’après laquelle le travail des historiens serait difficile face à une question devenue l’équivalent… de ce qu’est l’esclavage pour les Africains et Antillais.

1° – Qu’est-ce qui autorise l’auteur de ce texte à formuler un tel jugement ? Des enquêtes d’opinion qu’il pourrait citer ?

2° – Quant à l’esclavage, il suffit de rappeler que c’est le pouvoir colonial qui a supprimé l’esclavage dans la grande île, et qu’une bonne enquête d’opinion dirait peut-être que l’effroi véritable s’inscrirait beaucoup plus dans la mémoire des descendants d’andevo (esclaves), que dans celle des habitants actuels de l’île par rapport à l’insurrection de 1947.

Parti colonial (p. 88 et 89) : dans la diffusion de l’idée impériale, l’auteur cite les livres scolaires les programmes scolaires eux-mêmes sont progressivement aménagés : le célèbre Tour de la France par deux enfants, dans ses diverses rééditions, fait désormais un détour par l’empire.

Le livre en question fait une place très modeste aux colonies, une page au maximum sur 318, et la fameuse  vignette des quatre races, dont la blanche, la plus parfaite, un tiers de page (p. 184). C’est dire l’importance d’un tel livre !

Plus grande France (p. 91, 92) : le texte note (p. 92) : “Les années 1930 démontrent l’enracinement de l’esprit impérial”.

Le verbe démontrer n’est-il pas de trop ? Alors que cette thèse de l’enracinement du colonial est pour le moins contestée, à lire, en tout cas, les travaux des historiens Charles-Robert Ageron et Gilbert Meynier.

Des mots absents

Ce qui frappe à la lecture, c’est la faible part attribuée aux mots de la culture des peuples des colonies, à leurs croyances, différentes selon les continents : en Afrique spécialement, l’islam, cité par le livre, mais tout autant l’animisme et le fétichisme, les initiations et les classes d’âge, la circoncision et l’excision, les masques, les totems, et les sorciers … ; en Asie, le confucianisme, le taoïsme, le bouddhisme, et aussi, le ciel des empereurs d’Hué ou de Pékin. Et pour l’Afrique, l’Asie et Madagascar, le culte des ancêtres, capital dans la grande île.

Ce qui frappe également, c’est l’absence des mots de la conquête, le portage, les colonnes, les captifs, les canonnières, et les maladies tropicales, fièvre jaune et paludisme, au lieu de la soudanite, qui fut une affection plutôt rare par rapport à ces maladies, avec les hécatombes de cette période, et les fameuses quarantaines en cas d’épidémie. La rubrique médecine (p. 68) réduit beaucoup trop le champ du mot.

Rien sur les cultures vivrières, le mil et le manioc, le riz ! Alors que le mot indigénophile est retenu : avouerai-je que tout au long de mes lectures coloniales, je n’ai pas souvenir d’avoir rencontré ce mot. Le Larousse paru en 1931 (six volumes) n’en fait pas mention.

Et les gros mots ou les mots interdits, les fady des malgaches ! Le lexique ne cite pas le cannibalisme, religieux ou pas, qui exista bien dans certaines régions d’Afrique et d’Océanie. Ainsi que les sacrifices humains dans certaines cultures ! Et la polygamie coutumière dans beaucoup de ces colonies !

Les mots de la fin ?

Les explications données pour certains mots font incontestablement problème quant à leur pertinence historique.

Postcolonies studies – études postcoloniales. Le lexique évoque avec une prudence justifiée le discours d’un collectif de chercheurs, puisque insuffisamment démontré, sur la relation qui existerait entre la colonisation et la crise des banlieues.

Dans le même commentaire, le lexique fait référence au livre d’Edward Saïd, l’Orientalisme (1978) : … est un ouvrage majeur pour les postcolonial studies : il insiste sur l’impact des stéréotypes construits par l’Occident sur l’Orient et sur l’importance de la présence des empires coloniaux au cœur des productions culturelles européennes.

La thèse de M. Saïd mériterait à elle seule un très long commentaire, mais relevons simplement quelques observations à son sujet.

Comment pouvait-il en être autrement du regard de l’Occident sur l’Orient, qui ne se réduisait d’ailleurs pas au Moyen-Orient et au monde musulman et arabe. C’était autant sinon plus l’Extrême-Orient de l’Inde et de l’Asie ? Un Occident dominant, sûrement ! Souvent aussi fasciné ! Qui tentait de comprendre, avec ses propres codes de pensée, un Orient qui n’existait pas en tant que tel, et qui n’existe toujours pas par lui-même.

Sans doute la construction d’un système de fictions idéologiques, mais qui ne se résumaient pas à la littérature de Flaubert, et à sa courtisane égyptienne, ou à une peinture orientaliste seulement captivée par les harems arabes… L’auteur suggère de sortir de l’ancienne camisole de force idéologique, mais est-ce que tous les intellectuels, écrivains, artistes, historiens de cette époque ont eu besoin d’une telle thérapeutique ? Non ! Et paradoxalement aussi les missionnaires, souvent défricheurs d’autres civilisations.

Ce type de thèse porte toujours en creux la responsabilité de l’Occident, et sans le dire, ses fautes, sa culpabilité. Chacun est libre de le penser, mais il ne s’agit alors plus d’histoire, mais de morale.

E. Saïd défend une thèse qui pourrait être celle d’un occidental coupable, mais on peut se demander dans quelle position l’auteur situe sa thèse, occidentale ou orientale ? Et pourquoi ne pas regretter que l’Orient ne nous ait pas fait connaître sa propre thèse, son antithèse sur l’Occident, afin de tenter une synthèse, qui ne sera pas obligatoirement la fameuse histoire partagée dont rêvent certains.

Le mot violence (p.119) et son commentaire appellent également un peu d’explication.

Le sens de ce terme, par définition complexe, et très variable selon les époques, méritait un commentaire plus nuancé et plus circonstancié en rigueur historique.

Il ne faut pas avoir fréquenté beaucoup de récits et d’études ethnologiques de l’époque coloniale pour croire que la paix civile régnait dans les territoires conquis par la France, sur le Sénégal, le Niger, le Congo, le fleuve Rouge, ou dans les îles d’Océanie !

Sans faire silence sur les violences de la conquête et du maintien de l’ordre colonial, la colonisation fut aussi pour beaucoup de populations coloniales une période de paix civile. Et l’esclavage existait alors dans la plupart de ces territoires.

Il convient donc d’examiner les faits, sans faire appel au procédé jésuite qui consiste à répéter qu’on ne prône jamais le remords, tout en tenant continûment un discours qui le postule, sans que l’on demande naturellement et expressément la rémission de ses péchés coloniaux.

Comment est-il donc possible d’écrire dans le commentaire du mot violence la formule suivante : “Cette violence… n’en reste pas moins une tache indélébile sur l’histoire nationale” (p. 120) …? S’agit-il d’histoire ou de morale ?

En conclusion, un petit livre de poche utile grâce à son format et à son contenu, avec le conseil sans doute inutile, que je donnerais volontiers aux étudiants historiens : lisez-le en conservant votre esprit critique !

 Jean Pierre Renaud

9 mars 2008, publié sur le blog Etudes Coloniales

Plus d’informations :

Paul Vigné d’Octon : les combats d’un esprit libre, de l’anticolonialisme au naturisme

CR de lecture par Amaury Lorin /// Christian Roche, Paul Vigné d’Octon (1859-1943) : les combats d’un esprit libre, de l’anticolonialisme au naturisme, Paris, L’Harmattan, 2009, 173 p.

Qui se souvient aujourd’hui de Paul Vigné d’Octon (1859-1943) ? Rares sont sans doute les lecteurs auxquels l’auteur de La Gloire du sabre (Paris, Flammarion, 1900 [1] ) et La Sueur du bournous : les crimes coloniaux de la IIIe République (Paris, Guerre sociale, 1911 [2] ), pamphlets politico-militaires anticolonialistes ayant tous les deux subi les foudres de la censure de la IIIe République impériale, évoquera quelque souvenir. Pourtant, ce personnage hors norme, semblant avoir passé sa vie à soulever de courageuses polémiques, gagne à être connu, tout autant que sa mémoire mérite d’être ravivée en 2009, alors que les débats historiographiques sur le passé colonial de la France sont encore loin d’être réglés.

Conçue en dix brefs chapitres, la stimulante petite biographie (par le format, 173 pages) que Christian Roche consacre au docteur Vigné, Paul Vigné d’Octon (1859-1943) : les combats d’un esprit libre, de l’anticolonialisme au naturisme, constitue, à ce titre, une contribution fort utile à la (re)connaissance de ce personnage atypique, parfois pris pour un « original », voire un farfelu, par ses contemporains et dont la conscience, lucide, presque anachronique, en tout cas largement à rebours de l’opinion colonialiste dominante de la Belle Époque, frappe l’esprit. L’ouvrage contribue plus largement à l’histoire, tant de l’anticolonialisme en France [3] , souvent minoré car considéré comme « à ranger parmi les mythes » selon l’appréciation d’Henri Brunschwig, que du naturisme [4] , jeune objet historique s’il en est.

Médecin de la Marine, député de l’Hérault (circonscription de Lodève) de 1893 à 1906, romancier prolixe et pamphlétaire virulent, Vigné oscille entre le statut d’imprécateur et celui d’expert ès affaires coloniales [5] . Épris de justice et de compassion pour la détresse humaine, il mène avec une ardeur impétueuse divers combats, notamment contre l’exploitation des peuples colonisés. Sa fougue s’illustre avec brio à l’occasion de fracassantes interpellations des gouvernements sur Madagascar. Porte-parole assurément le plus déterminé de l’anticolonialisme à la Chambre des députés, volontiers franc-tireur, Vigné se présente comme républicain « avancé », hostile aux opportunistes de la majorité gouvernementale. Élu à la Chambre en août 1893 aux côtés d’une cinquantaine de nouveaux députés, de gauche surtout, sur un programme de défense des viticulteurs du Midi, préférant la polémique aux séances de travail parlementaire, Vigné est un sentimental : il est profondément ému et passionnément indigné par les abus dont il est témoin lors de ses séjours en Afrique subsaharienne (en Guinée en 1885 puis au Sénégal en 1886), une expérience fondatrice qu’il porte ensuite avec véhémence à la tribune et qui nourrit, dès lors, toute sa carrière politique. Parallèlement à la députation, l’activité journalistique et littéraire de Vigné reste considérable.

La colonisation suscite, au sein du courant républicain – à gauche donc –, une opposition fondée sur l’argumentation traditionnelle de la pensée des Lumières, c’est-à-dire le refus de principe des conquêtes et de la domination coloniale au nom des droits de l’homme et d’un idéal de liberté universelle. Vigné est représentatif en cela d’une tendance soucieuse de rapidement politiser la « question coloniale ». Alors que les radicaux passent sans transition de la vitupération à la gestion, voire à l’affairisme colonial, les socialistes constituent l’avant-garde qui propose au Parlement les réformes nécessaires, selon eux, pour une gestion plus républicaine et donc plus juste des populations dominées. Étroitement circonscrite, cette implication des élus ne repose toutefois que sur une poignée d’auteurs. Parmi eux, Paul Vigné d’Octon ou Gustave Hervé, leader socialiste antimilitariste (jusqu’en 1912) : leur anticolonialisme coïncide avec un pacifisme qui s’inquiète – à juste titre – des tensions suscitées par les rivalités coloniales.

Adepte et défenseur, avant l’heure, du naturisme, auquel il consacre le dernier tiers de sa longue vie, l’étonnant docteur philanthrope est, par ailleurs, l’un des précurseurs d’une hygiène de vie et d’une médecine naturelle admises et reconnues aujourd’hui. Le château d’Octon (Hérault) se transforme chaque été en « Maison du Soleil », dirigée par un Vigné doyen des médecins naturistes français. Héliothérapie dans un solarium attenant au parc, hydrothérapie dans l’ancienne orangerie, etc., le va-et-vient croissant des curistes fait jaser les villageois. On sait le vieux médecin fantasque. Ses détracteurs sont nombreux. Comme en politique, l’activisme à contre-courant de Vigné perturbe : le docteur travaille quotidiennement à une « Bible du naturisme », restée inachevée, rassemblant les théories et pratiques qu’il recommande. Passionné, Vigné semble, en tous domaines, toujours en avance sur les idées de son temps.

Représentatif de ce que fut – ou trop peu – l’anticolonialisme en France à la Belle Époque, Vigné, parlementaire humaniste qui fait graver sur sa tombe l’épitaphe « J’ai fait du soir de ma vie une aurore », suscite une légitime curiosité. Isolé, solitaire, dérangeant, sans doute trop polémique, le député de Lodève se range parmi les adversaires d’une certaine colonisation. Mais, écrasé par les plus brillants des interpellateurs du « groupe colonial » de la Chambre mené par Eugène Étienne, il n’en est pas le chef de file. L’Histoire, soucieuse de dégager les idées générales, n’a pas retenu son nom. Une injustice heureusement et utilement rétablie par l’ouvrage de Christian Roche.

Amaury Lorin

Notes :

[1] Rééd. Paris, Quintette, 1984.

[2] Rééd. Paris, Nuits rouges, 2001.

[3] En particulier, Charles-Robert Ageron, L’Anticolonialisme en France (1871-1914), Paris, PUF, 1973.

[4] Arnaud Baubérot, Histoire du naturisme : le mythe du retour à la nature, Rennes, PUR, 2004 ; et « Le corps du sauvage : l’imaginaire colonial des naturistes français », dans Christian Pociello et al. (dir.), À l’école de l’aventure : pratiques sportives de plein air et idéologie de la conquête du monde (1890-1940), Paris, Presses universitaires du Sport, 2000, p. 185-194.

[5] Gilles Manceron, « La gauche et la colonisation », dans Jean-Jacques Becker et al. (dir.), Histoire des gauches en France, Paris, La Découverte, 2004, vol. 1, p. 531-544.

Source : Histoire Politique.fr – Lire le CR de lecture sur pdf

Voir en complément de CR de deux lectures croisées sur Paul Vigné d’Octon par Alain Messaoudi sur le site du CHSIM (Centre d’histoire sociale de l’Islam méditerranéen).

Aperçu sur Google Books

 

Review: Pierre Brocheux and Daniel Hémery, “Indochina: An Ambiguous Colonization, 1858-1954”

Review by David Del Testa, Bucknell University – 1 June 2011.

Pierre Brocheux and Daniel Hémery, Indochina: An Ambiguous Colonization, 1858-1954. Series “From Indochina to Vietnam: Revolution and War in a Global Perspective.” Translated by Ly Lan Dill-Klein, with Eric Jennings, Nora Taylor, and Noémi Tousignant. Berkeley/Los Angeles: University of California Press, 2009. XV + 490 pp. $60 U.S. (hb). Illustrations, notes, index. ISBN 978-0-520-24539-6.

Pierre Brocheux and Daniel Hémery’s excellent Indochina: An Ambiguous Colonization offers an English-language audience its first modern, single-volume, critical study of the history of France’s colonial occupation of Vietnam, Cambodia, and Laos and the creation of a colonial collectivity known as Indochina. Over the years, many authors have addressed colonial Indochina’s history in volumes focusing on Vietnam, such as Joseph Buttinger in his classic, The Smaller Dragon: A Political History of Vietnam; or focused on the Vietnamese, such as David Marr, in his unparalleled texts, including Tradition on Trial, 1920-1945; or on the relationship of France’s interaction with the Vietnamese, such as Eric Jennings with his excellent chapter, “Toward a New Indochina,” in his book, Vichy in the Tropics: Pétain and the National Revolution in Madagascar, Guadeloupe, and Indochina, 1940 – 1945. [1] But not since Virginia Thompson’s French Indo-China has an author attempted a comprehensive historical analysis of France’s Southeast Asian colony. [2] This book then satisfies an important need, not only for scholars interested in French colonial Indochina, but also anyone wanting a strong, critical summary of the events preceding the French and American wars in the countries that emerged from Indochina; those who want to make strong comparisons between contemporaneous colonial efforts; and those wishing to understand the potential impact of the colonization of Indochina on France.

The core of this book is not exactly a new. Indochina: An Ambiguous Colonization is a revised and extended English-language version of Brocheux and Hémery’s Indochine: Une Colonisation ambiguë. [3] Many interested individuals snapped up therelatively few copies of the original edition of Indochine: Une Colonisation ambiguë issued by La Découverte in 1995 or the revised edition issued by the same publishing house in 2004. The French edition itself had already had a long genesis, with the original manuscript completed by 1988, but delayed for editorial reasons until 1995. Thus, the authors have had the time to eliminate many of the faults of its French-language predecessor (such as the incomplete replication of citations in the bibliography), to incorporate to an important degree the ample English- and French-language scholarship on Indochina that bloomed between 1995 and 2009 (including that of the author of this review), and to refine the overall presentation. Few local language sources informed the French-language editions and that remains the same for this version as well, but the volume is comprehensive otherwise.

In brief, Indochina: An Ambiguous Colonization documents France’s colonization of what became known as Indochina between 1858 and 1954. The authors explore quickly the initial motivations for Napoleon III to authorize an attack on the pre-colonial, independent, imperial Vietnam in 1857, the conquest of what is now southern Vietnam, and the resistance to the French that accompanied its colonization. Thereafter, they illustrate in much greater detail the politics of the government of France and the court of Vietnam in, respectively maintaining or resisting colonialism, illustrating that certainly not all French wanted a colonial empire and that not all Vietnamese rejected the presence of the French. They also spend some time explaining why the Cambodian court would ally itself with France and subject the Cambodians to colonial occupation. After the treaties, commercial interests, and early anti-colonial resistance groups receive detailed attention, Brocheux and Hémery address the imposition of complete control over all of Vietnam and the extension of that control over Laos.

The remainder of the text addresses the hardening of colonialism and French control over these areas, with a strong focus on Vietnam, and the resistance to a hardening position that the opportunities provided by colonialism created. The modern state and commercial apparatus that the French imposed needed local collaborators who knew French and modern methods of accounting, engineering, and so on. This need, combined with an enduring official sponsorship of a colonial civilizing mission, created Vietnamese and to a much lesser extent Cambodians, Laos, and highlanders, well versed in modern Western thought. Brocheux and Hémery subtly illustrate how local peoples grappled with the fundamental hypocrisy of republican France’s colonialism and in the end used the very revolutionary ideas that the French had personified against them. They also show how, by the 1930s, Indochinaincreasingly became the stage for a global Realpolitik that had little to do with local people and more to do with life-and-death struggles between larger actors.

Indochina: An Ambiguous Colonization provides an impressive amount of detail in 490 pages. A long series of introductory features (foreword, preface, and introduction) precedes eight substantial chapters, and there is a substantive conclusion and supplementary materials as well. Each of the eight chapters of Indochina: An Ambiguous Colonization addressesa particular theme (conquest, economics, culture) in a chronological fashion for greater or lesser periods of time between 1858 and 1940. For example, chapter three, “Colonial Capitalism and Development, 1858-1940,” covers the entire time-period of the book, whereas chapter seven, “Resistance, Nationalism, and Social Movements, 1900-1939” covers a briefer period. Some readers might find the constant back-and-forth coverage of the same eras annoying or repetitious, but Brocheux and Hémery explain each of the themes so carefully and holistically that little confusion results from the reading of them. Ten maps and thirteen charts within the main text, as well as thirty-seven tables distributed within the text and in appendices, aggregate and appropriately illustrate the exchanges, regional movements, and volumes of trade that the authors analyze in thorough detail throughout the book.

It is important to remember that this text is an overview of the whole history of the colonization of Vietnam, Cambodia, and Laos and that in so doing it must tackle simultaneously the dynamics of French, Vietnamese, Cambodian, and Laotian societies, the motivations for and consequences of the encounters between those societies facilitated by colonialism, and transformations in each society as a result of this colonial occupation. Thus, it cannot address indetail any of those societies and it suffers from a lack of scholarship andperhaps expertise on some aspects of the relationships that it addresses, thus over-representing (perhaps justifiably) France’s presence in Vietnam and the consequences of colonialism for the Vietnamese, while hardly presenting any discussion of Cambodia and even less on Laos. Some critics may fault the authors for not addressing, for example, the importance of certain aspects of local societies, such as Vietnamese family networks or Cambodian social hierarchy, that influenced who participated and how in colonial society or resistance to it. Readers cannot expect in-depth analyses of the minutiae, but at least the authors present an up-to-date twenty-page bibliography in which interested individuals could trace those details should they wish to do so.

Because of the high vantage point from which Indochina: An Ambiguous Colonization surveys the creation and eventual unraveling of colonial Indochina and because of their particular scholarly approaches to colonization, Brocheux and Hémery strongly favor analyses of elite political and economic institutions and the resulting politico-economic relationships to describe the institutional structures that provided the colony with its momentum. Individuals and conflicts between individuals receive ample attention, but they and their conflicts are always a part of a larger structure on which they depend or from which their perspective emanated. Both men are professors emeriti from the particularly productive Department of History at the University of Paris VII campus at Jussieu. They worked together productively for decades on various projects concerning colonialism and Vietnam, and they focused particularly on revolutionary history and colonial economics. The cross-fertilization of those topics between them is evident in this text.

Despite its subtitle, An Ambiguous Colonization, the reader leaves the text with a number of sureties about colonialism in Indochina. One is sure, particularly for Vietnam, that colonialism created modern Vietnam by simultaneously generating the skills necessary among the Vietnamese to operate a modern state and the hatred necessary to expel a modern occupier. One is sure that the French, or at least a certain well-positioned segment of French society, profited luxuriously from the imposition of a colonial economy over Indochina, and that the members of the colonial and metropolitan financial and commercial sectors used an ever-changing notion of a civilizing mission to provide excuses to encourage certain forms of development that favored their interests. Simultaneously many politicians, military leaders and idealists, both French and local, believed fervently in a civilizing mission for Indochina, and their dedication to the civilizing mission made colonialism there a going concern, even if they made choices that aligned with the desires of Indochina’s financial and commercial sectors. And one is sure that local people—Vietnamese, French, Lao, Khmer, highlander—left the experience of colonialism and entered independence profoundly changed because of the colonial experience. A reader must delve more deeply and elsewhere, however, to understand the peculiarities of the transformations that occurred and their longer-term origins and consequences. In this way, the strength of this text will remain its holism, and it will certainly serve in this capacity for decades to come.

David Del Testa
Bucknell University
ddeltest@bucknell.edu

Notes

[1] Joseph Buttinger, The Smaller Dragon: A Political History of Vietnam (New York: Praeger, 1966); David Marr, Vietnamese Tradition on Trial: 1920- 1945 (Berkeley/Los Angeles: University of California Press, 1982); Eric Jennings, Vichy in the Tropics: Petain’s National Revolution in Madagascar, Guadeloupe, and Indochina, 1940-44 (Stanford,Cal.: Stanford University Press, 2004).

[2] Virginia Thompson, French Indo-China (New York, Macmillan, 1937).

[3] Pierre Brocheux and Daniel Hémery, Indochine: La Colonisation ambiguë 1858-1954 (Paris: La Découverte, 1995, 2001, 2004).

* H-France Review Vol. 11 (June 2011), No. 121. Copyright © 2011 by the Society for French Historical Studies, all rights reserved. This review may be found on the H-France website.

 

 

 

 

Unraveling the Ambiguities of Colonial Indochina

Pierre Brocheux, Daniel Hémery. Indochina: An Ambiguous Colonization, 1858-1954. Berkeley: University of California Press, 2009. xv + 490 pp. $60.00 (cloth), ISBN 978-0-520-24539-6.

Reviewed by Bruce Lockhart (Department of History, National University of Singapore)
Published on H-HistGeog (April, 2011)
Commissioned by Eva M. Stolberg

Indochine: La colonisation ambiguë, 1858-1954 (Indochina: An Ambiguous Colonization) is one of the most important and authoritative studies of colonial Indochina to have appeared in any language, and it is now available to an English-language audience. Authored by Pierre Brocheux and Daniel Hémery, two of the foremost historians of colonial Vietnam, the book (first published in French in 1995) is one of only a small number of academic monographs to look at colonial Indochina as a single entity and one of the very few to combine political, economic, and social perspectives. Like most studies of Indochina, the book devotes the bulk of its discussion to Vietnam, but there is enough information on Cambodia and Laos–some of it added to the English translation based on recent scholarship–to make the study reasonably “Indochina-wide.” Although the strong emphasis on quantitative data means that the text is more liberally sprinkled with numbers than some readers might want in a book that is not strictly speaking an economic history, the facts and figures are well integrated into a broader narrative of the colonial era from start to finish.

Brocheux and Hémery in their preface lay down several principal objectives for the book. First, they “have chosen to approach Indochina as a historical construct … rooted … within the tensions and dynamics of the social and anthropological space of the peninsula.” Second, as noted above, they “approach Indochina through its multiple dimensions–political and military, economic, social, and cultural–and various temporalities,” including both the period of colonial rule and “the brief, violent ruptures of decolonization.” Finally, they attempt to transcend the dichotomy between a “colonial” historiographical perspective, which treats French rule as “fundamentally civilizing, even if faulty,” and an anticolonial and national one, which portrays it as “purely dominating, repressive, and exploitative” (pp. xiv-xv).

The authors are arguably the most successful in achieving the last of these three objectives, no mean feat considering the ideological divide among French academics working on Indochina. The book is an articulate critique of colonial rule in Indochina, yet it is not polemical, and it does not essentialize or oversimplify the complexities of the colonial system. When it comes to the various strains of Vietnamese nationalism, the authors do tend to focus more on the Left of the political spectrum than on the Right. Although this is to some extent understandable given their own particular research interests and ideological proclivities and the historical reality that the Left was ultimately triumphant in Vietnam, a more balanced treatment would have been welcome. Similarly, despite the presence of a chapter entitled “Cultural Transformations,” much of the text is devoted to political and economic developments, with comparatively little attention to the cultural dilemmas that plagued the indigenous elites. Cambodia and Laos are given particularly short shrift in this respect, but to be fair, much of the important work done on the interaction among nationalism, Buddhism, and colonialism in Cambodia has appeared since the book was written. Thus although the book’s approach is perhaps sufficiently “multi-dimensional” to fulfill the second of the authors’ stated objectives, it leaves the reader somewhat unsatisfied where cultural and intellectual developments are concerned.

The relative lack of careful attention to noneconomic developments in Cambodia and Laos means that the first of the three stated objectives, to look at “Indochina” as a “historical construct” within its broader “social and anthropological space,” is not pursued as completely as the reader might wish. The book provides a thorough overview of policy developments in Indochina within the broader framework of French colonialism, but there is not much attention to the specific issues involved in attempting to construct “Indochina” or an “Indochinese identity.” The complexities and contradictions of this agenda–notably the promotion of Vietnamese immigration into the areas traditionally most wary of Vietnamese influence–and the interplay between anti-Vietnamese and anti-French elements in Cambodian and Lao nationalism are matters that deserve more attention than they receive in most studies of “Indochina,” including this one. The authors argue that “a number of Vietnamese ended up, at least for several decades, also thinking of themselves as ‘Indochinese,’” but they do not thoroughly examine the implications of that claim (p. 378).

That said, however, Brocheux and Hémery do succeed admirably in their determination to show the many ways in which French colonization of Indochina was “ambiguous.” They articulate these ambiguities quite clearly and accurately in their preface: “the appropriation by the colonized of the innovations imposed by colonization,… the reversibility of modes of domination as soon as circumstances permitted them, and … the subtle investment in these modes on the part of subjugated societies who redirected and deflected them” (p. xv). They pay particular attention to the extremely ambiguous nature of “modernity” and “modernization” as a product of colonial rule. None of these, of course, are unique to the particular colonial experience of Indochina, but the authors do provide a solid and articulate overview of the ways in which these issues played out in this particular context.

Although it is certainly valuable to have an English edition of this important book, it is unfortunate that the translation itself is mediocre to say the least. It reads as if it had been done by a translation program that stuck as closely as possible to the original French syntax and automatically chose French cognates in English whether or not they were the best equivalents. There is a good reason why deceptively similar cognates are called “faux amis” (false friends), and the text is riddled with them from start to finish. In a few cases the translations are quite simply wrong (such as “high commissioners” for “hauts fonctionnaires,” meaning high-ranking civil servants, or “genius” for “génie” in a context where it means “spirit” in the sense of a supernatural entity). Academic French is admittedly a difficult challenge, but if it is going to be translated, then the final product should not be a literal translation that sounds as if it had been written by a native French speaker.

Citation: Bruce Lockhart. Review of Brocheux, Pierre; Hémery, Daniel, Indochina: An Ambiguous Colonization, 1858-1954. H-HistGeog, H-Net Reviews. April, 2011.
Source: H-Net Reviews

Arjun Appadurai : Après le colonialisme – Les conséquences culturelles de la globalisation

CR de lecture par Marie Bellot ///

L’ouvrage a été édité pour la première fois en 1996, sous le titre « Modernity at Large. Cultural Dimensions of Globalization ». Il a été publié en 2001 dans sa version française. Arjun Appadurai, est né en 1949 à Bombay. A la fois sociologue et anthropologue, professeur à l’université de Chicago, ce penseur s’oppose aux culturalistes. Selon lui, la globalisation n’est pas l’histoire de l’homogénéisation ; pour observer les aspects culturels de la mondialisation, il ne faut pas prendre la culture comme un objet. Il n’est pas possible de redécouvrir la culture comme si elle existait en dehors du groupe culturel. Les thèmes de prédilection d’Appadurai sont assurément la modernité et la mondialisation. Ces deux notions se retrouvent d’ailleurs dans le titre original. Il est de ce fait intéressant de noter que le terme « modernity » a été remplacé en français par celui de « colonisation », et ce d’autant plus que la colonisation n’est pas entendue par l’auteur comme le simple pouvoir politique de colons sur un espace appelé « colonie » :

« Je proposerai que le voyage qui nous mène de l’espace de l’ancienne colonie (un espace coloré, un espace de couleur) à l’espace du postcolonial nous emmène au cœur de la blanchitude. Il nous emmène en somme en Amérique, soit un espace postnational marqué par sa blanchitude, mais aussi par sa relation complexe avec des peuples diasporiques, des technologies mobiles, et des nationalités queer. » (Chapitre 7, p. 232)

Appadurai commence par rappeler le processus de mondialisation comme un phénomène « rétrécissant » le monde, c’est-à-dire créant notamment une interdépendance généralisée des économies. Ceci génère également des impacts sur le politique autant que sur le culturel. Beaucoup d’intellectuels critiquent ces transformations, comme une atteinte à la souveraineté des Etats. L’auteur ne se place quant à lui pas dans la même perspective, et met au centre de son analyse deux notions : celle de flux, entendue comme la circulation des hommes (les migrations) et des informations (développement de médias de masse qui donnent à voir des images du bout du monde), et celle d’imaginaire dans les pratiques quotidiennes, notamment lors de l’exil et de l’invention d’un monde à soi. Le but ici est de montrer que la dimension culturelle est centrale dans le processus de mondialisation, de part le rôle donné à l’imagination.

Appadurai propose in fine une nouvelle vision du monde dans laquelle les individus et les groupes sociaux n’auraient plus pour allégeance principale l’Etat-nation, mais créeraient de nouveaux espaces identitaires déterritorialisés. Il s’agit donc ici d’analyser les changements qui s’opèrent avec la mondialisation dans la reproduction sociale, territoriale et culturelle de l’identité de groupe. De fait, les groupes sociaux, généralement donnés à voir comme les victimes de la globalisation et de l’omnipotence des Etats-nations, sont en fait vus par Appadurai comme dotés de capacités de résistance et de moyens destinés à les rendre visibles.

Pour ce faire, l’auteur met en place un dispositif théorique particulier, récusant dans le même temps les concepts de culture et de primordialisme. Le premier nous amène en général à tomber dans deux écueils : plaquer des stéréotypes et ne pas prendre en compte l’historicité propre aux groupes étudiés. Le second, car en indexant les représentations culturelles sur des primordiaux comme les liens du sang, la langue ou encore l’ancrage au territoire, on isole les groupes les uns des autres et stigmatise certaines populations.

Le dispositif conceptuel qu’Arjun Appadurai propose s’articule autour de cinq notions, qu’il nomme paysages (scapes) : ethnoscapes, médiascapes, technoscapes, financescapes et idéoscapes. Ce sont des constructions infléchies par la situation historique, linguistique et politique de différents types d’acteurs : Etats-nations, sociétés transnationales, communautés diasporiques, certains groupes et mouvements sous-nationaux et même certains groupes plus intimes comme les villages, les quartiers, et les familles. Ces paysages sont les briques de construction de ce qu’il appelle, élargissant ainsi le concept de Benedict Anderson, les mondes imaginés, c’est-à-dire les « multiples mondes constitués par les imaginaires historiquement situés de personnes et de groupes dispersés sur toute la planète » (p. 71).

A partir de ce dispositif théorique, Arjun Appadurai se place notamment par rapport à la question de la localité que certains évaporent avec la mondialisation, c’est-à-dire que des groupes d’individus, notamment migrants, perdraient de leur identité/culture avec la perte de leur localité. Pour l’auteur, le concept de localité intrinsèque n’existe pas, le local ne pèse pas sur une identité, mais ce sont les groupes qui produisent leur local dans un contexte historique déterminé.

Arjun Appadurai déroule son dispositif théorique en organisant son ouvrage autour de trois grandes parties : « Flux globaux », « Les colonies modernes » et « Les lieux postnationaux ». Si les première et troisième parties sont essentiellement conceptuelles, la seconde est plus illustrative, et s’appuie sur deux exemples. Le premier, présenté au chapitre 4, a pour but de montrer comment un sport comme le cricket, qui doit son identité première à des caractères de l’Angleterre victorienne, a pu être approprié par les Indiens. A cette fin, Appadurai explicite alors les processus qui ont permis à celui-ci de devenir un symbole du sous-continent. L’idée est de montrer que l’indigénisation est souvent le produit d’expériences collectives et spectaculaires en lien avec la modernité, et non pas nécessairement de l’affinité sous-jacente des nouvelles formes culturelles avec les modèles existants du répertoire culturel.

Ce chapitre, largement repris par la suite, se penche notamment sur les processus liés à la décolonisation, ce sur quoi le titre français, à la différence du titre original, met délibérément l’accent. La décolonisation, pour une ancienne colonie, ne consiste pas simplement à démanteler les habitudes et les modes de vie coloniaux, mais aussi à dialoguer avec le passé colonial. Appadurai fait la distinction entre des formes culturelles « douces » et « dures ». Les secondes s’accompagnent d’un réseau de liens entre valeur, signification et pratique qui sont aussi difficiles à briser qu’à transformer. Les premières permettent quant à elles de séparer assez facilement la performance pratique de la signification de la valeur, et donc de permettre une transformation relativement réussie à chaque niveau.

En suivant cette distinction, l’auteur fait du cricket une forme culturelle dure, qui modifie plus vite ceux qui sont socialisés en son sein qu’elle ne se modifie elle-même, dans le sens où il représente des valeurs profondément puritaines, où l’adhérence rigide aux codes externes est partie intégrante de la discipline morale de l’individu. Pourtant le cricket s’est « indigénisé » et décolonisé. Appadurai tente donc de montrer comment cela a pu se faire. Parmi les différents processus en jeu, le commentaire vernaculaire à la radio, et plus tard à la télévision, est le premier pas vers l’appropriation du vocabulaire du cricket, parce qu’il n’offre pas seulement un vocabulaire de contact, mais aussi un lien entre ce vocabulaire et l’intensité du jeu entendu ou vu. Le cricket est donc lu, entendu, vu. La force de ces expériences quotidiennes, les aperçus occasionnels de matchs et de stars vivantes, et les événements plus prévisibles du spectacle du cricket à la télévision, tout concourt non pas simplement à vernaculariser le cricket, mais à introjecter les termes et les tropes du cricket dans les pratiques et les fantasmes corporels de beaucoup d’Indiens. Alors transformé en une passion nationale par le processus du spectacle, le cricket est devenu au cours des vingt dernières années une question de divertissement de masse et de mobilité pour certains, et s’est donc auréolé d’une image de victoire. Les anciennes colonies dominent désormais le cricket mondial, mais il est surtout significatif que leur triomphe coïncide avec une période où l’impact des médias, la commercialisation et la passion nationale ont presque totalement érodé les vieilles valeurs victoriennes associées au cricket. Ceci est par ailleurs renforcé par l’indigénisation du subventionnement, le soutien de l’Etat par le biais de subsides massifs aux médias et un intérêt commercial, soit dans la diversité contemporaine des formes possibles de marchandisation, soit sous la forme moins habituelle d’un subventionnement des joueurs par l’industrie. Le cricket devient alors le centre idéal de la passion nationaliste parce qu’il permet à une grande variété de groupes au sein de la société indienne, d’expérimenter ce que l’on pourrait appeler « les moyens de la modernité » (p. 173).

 * * *

Arjun Appadurai livre ici un ouvrage extrêmement intéressant dans le sens où il offre une approche sinon novatrice, tout au moins originale des effets de la mondialisation sur les aspects culturels des sociétés. Loin de l’idée d’homogénéisation culturelle, il montre comment les paysages dont il fait état sont certes travaillés par les flux marchands et informationnels internationaux, mais sont ancrés dans le local par l’appropriation qui en est faite par les individus. Ce n’est pas un hasard si son analyse du cricket en Inde a été largement citée par d’autres par la suite.

On reprochera cependant quelques points à l’auteur, n’amoindrissant que peu la qualité de l’ouvrage. Il est ainsi parfois difficile de se repérer entre le dispositif théorique très abondant proposé dans les première et troisième parties de l’ouvrage et les exemples de la seconde partie. Il existe une disjonction entre théorie et illustration, qui n’enlève néanmoins rien à la démonstration conceptuelle proposée par Appadurai. Il est cependant peu évident de se représenter les localités imaginées. Enfin, l’ouvrage pèche peut-être par un excès d’optimisme, tant il ne prend pas en compte, à nos yeux, les systèmes de domination qui pèsent encore sur les individus. Ces derniers ne sont certes pas seulement des victimes de la mondialisation, tels que le donnent à voir de nombreux auteurs, ce qu’Appadurai sait très finement mettre en lumière. Cependant, ils ne semblent pas avoir tous les coudées si franches. Les États-nations ainsi que le système financier international ont encore un fort potentiel d’imposition sur les individus. De même, les capacités de mobilisation de l’imagination ne sont les mêmes pour tout un chacun.

 

Recherche bibliographique autour de l’ouvrage

Il existe pléthore de comptes-rendus de lecture sur l’ouvrage, pour n’en citer qu’un, je proposerais :

HASAE Jennifer, Comptes rendus, Ethnologie française 2002/2, Tome XXXVII, p. 541-566.

 

Autour de la question :

MATTELART Armand, Diversité culturelle et mondialisation, Paris, La découverte, 2005, 122 p.

DORIN Stéphane, “La métaphore des racines : un obstacle à l’analyse sociologique des dynamiques culturelles”, Politix, 2006/2, n° 74, p. 125-147.

 

Sur la créolisation des cultures, notamment sur leur dynamique et leur impact sur les territoires :

CHERUBINI Bernard, Interculturalité et créolisation en Guyane française, Paris et Saint-Denis-de-la Réunion, L’Harmattan et Université de la Réunion, 2002, 270 p.

 

Pour une critique de l’usage illimité du concept d’imagination par Arjun Appadurai :

CHIVALLON Christine, “Retour sur la « communauté imaginée » d’Anderson. Essai de clarification théorique d’une notion restée floue”, Raisons politiques, 2007/3, n° 27, p. 131-172.

 

Après une formation initiale à l’IEP de Lyon (2006-2011), et un master recherche en sciences politiques spécialisé sur l’Asie orientale contemporaine (2010-2011), Marie Bellot a commencé en novembre 2011 un doctorat en sociologie à l’Université Lumière Lyon 2 sous la direction de Laurence Roulleau-Berger. Son travail de recherche porte sur la production « d’espaces intermédiaires » en Chine à travers l’étude des engagements économiques et des aspirations politiques de certains « baling hou 八零后 » (soit des personnes nées après 1980).