SỬ GIA NGUYỄN THẾ ANH (1936-2023): TINH HOA GỬI LẠI
Việt Anh
Có một người Việt từng tự cảm thấy không thuộc riêng về một xứ sở nào. Song, một trong ước nguyện của ông, nếu một ngày trở lại quê cha đất mẹ Việt Nam, nơi đầu tiên phi cơ đáp xuống sẽ là Phú Bài – đất Huế, người tri kỷ sẽ đợi ông ở đó.
Ông là Nguyễn Thế Anh (1936-2023), sử gia về Việt Nam và châu Á, người đã gầy dựng một sử nghiệp mẫu mực trong nền học thuật Việt Nam Cộng hòa và Cộng hòa Pháp.
Nguyễn Thế Anh là một người Việt gốc Bắc, năm 1936 được chào đời ở Lào; phiêu dạt ở Thái Lan; tuổi thơ từng nếm trải thế nào là Việt Minh, thuộc địa. Từng học thêu-may, từng muốn theo sở thích hóa học hơn là sử học. Học trường Pháp ở Lào và Sài Gòn. Học Latin và Pháp ngữ trong trường, học Anh ngữ trong đời.
Từng trải Tết Mậu Thân 1968, tận tai nghe tiếng loa kêu mình ra trình diện; đích thân đi nhận diện xác người…
Từng trải Tháng Tư 1975, chỉ với bộ quần áo trên người, ông đưa gia đình thêm lần xuất ngoại. Tủ sách cá nhân gom góp trong hai thập niên hoạt động học thuật tan tác. Phận tha hương. Ở Mỹ vài tháng, ông quyết chọn Pháp định cư.
Nguyễn Thế Anh chưa từng có ý định viết hồi ký. Là một người trực tính, không ngại trực ngôn, ông không muốn phô với công chúng về đời mình chỉ vì lẽ “không thiết, không để làm gì”. Dù vậy, đáp lại những mối giao hảo thâm tình hoặc những câu hỏi tò mò đầy tính sử, đôi khi ông mở lòng nhớ lại những đoạn đời không ngớt biến thiên :
“Thời niên thiếu của tôi rất ngắn ngủi: năm 1945 tôi mới học xong lớp ba thì chiến tranh Đông Dương bùng nổ, phải tản cư qua Thái Lan sống gần 3 năm thất học, rồi trở lại Vientiane thì chỉ còn học trường Tây. Do đó, tôi đã chỉ đọc các văn sĩ thời tiền chiến, qua các sách ông cụ thân sinh mua cất trong tủ. Về sau, khi đã thành nhà giáo đại học, quen nhiều nhà văn nổi danh, thế mà không thiết đọc tác phẩm của họ, vì không cảm thấy hợp với cách hành văn của họ. Còn về nhạc thì tất nhiên thích nhạc tiền chiến và những nhạc sĩ như ban hợp ca Thăng Long hay Phạm Duy mà tôi tập đánh đàn mandoline với các bản nhạc của họ. Song thổi sáo thì toàn là nhạc cổ điển Tây phương, trừ một vài bài như “Tiếng sáo Thiên Thai” và những bản nhạc của Trịnh Công Sơn.”
“Việc tôi đến Huế có nguồn cơn từ cuộc gặp riêng với Giáo sư Cao Văn Luận khi ông sang Pháp năm 1963 và đề nghị tôi về Viện Đại học Huế làm giáo sư thỉnh giảng về sử. Tôi được bổ nhiệm tại Văn khoa thuộc Viện Đại học Huế đúng vào lúc ông Ngô Đình Diệm bị lật đổ, và tình trạng rối loạn nghiêm trọng sau cuộc đảo chính khiến tôi không thể lập tức trở về Việt Nam. Chỉ đến năm 1964 tôi mới đến Huế, nơi tôi bắt đầu công việc giảng dạy của mình trong bàu không khí chính trị rối ren do nhiều người bên Phật giáo gây nên. Những rắc rối này cũng là nguyên nhân khiến vị trí Viện trưởng Viện Đại học của Giáo sư Cao Văn Luận (1908-1986) bị thay thế bởi Giáo sư Bùi Tường Huân (1924-1988), người ngả theo dòng Phật tử. Một năm sau, năm 1966, Giáo sư Bùi Tường Huân ở vị thế Tổng trưởng, bổ nhiệm tôi làm Viện trưởng Viện Đại học Huế. Đó là chức trách đánh dấu một giai đoạn khó khăn nhất trong đời tôi, khi tôi phải nỗ lực để giữ cho môi trường đại học tránh xa các toan tính chính trị, và để bảo lưu quyền tự trị giáo dục đại học. Rồi biến cố Tết Mậu Thân 1968 xảy ra: cộng quân chiếm đóng Huế, cùng với những thủ đoạn của một số giáo sư và sinh viên đã để lại cho Viện Đại học những tổn thất trầm trọng mà tôi phải khắc phục trước khi từ chức và được phép thuyên chuyển về Viện Đại học Sài Gòn – ở Đại học Văn khoa, rồi gầy dựng và mở mang Ban Sử học. Tháng 4 năm 1975, tôi cùng gia đình di tản khỏi Việt Nam 4 ngày trước khi Sài Gòn thất thủ.
Ký ức sâu đậm về những năm tháng rùng rùng biến động ở miền Nam cho tôi cảm giác rằng: đời sống đại học nói chung không bị các chính phủ kế tiếp nhau gây trở ngại, và các giáo sư đại học khá tự do trong các hoạt động của mình. Đương nhiên có những vị được biết đến nhiều hơn so với đồng nghiệp, nhưng xem tổng thể thì các ấn phẩm và công việc giảng dạy của giới giáo sư đại học được chú trọng nhiều hơn so với việc họ dự vào chính trị. Tiêu biểu hàng đầu là trường hợp Giáo sư Phạm Hoàng Hộ (1929-2017): ông từng là Tổng trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục và Viện trưởng Viện Đại học Cần Thơ, song tên tuổi của ông được biết đến nhiều nhất qua các ấn phẩm về thực vật học miền Nam.
Về phía người học, tùy thuộc vào các môn học, sinh viên đọc nhiều sách bằng ngôn ngữ này hơn ngôn ngữ khác. Song, họ ngày càng thích sử dụng sách tiếng Việt hơn vì vốn hiểu biết về ngoại ngữ của họ còn bị hạn chế. Với các giáo sư thì thói quen bắt nguồn xuất thân của họ: thế hệ lớn tuổi quen thuộc hơn với tiếng Pháp, lứa trẻ hơn gần với tiếng Anh. Nhưng họ giảng dạy bằng tiếng Việt mặc dù thời trước, tiếng Pháp hay tiếng Anh được phép dạy cho các môn ngoài văn chương với điều kiện giáo viên là người nước ngoài. Dù sao, các giáo sư đại học phải xuất bản bằng Việt văn nếu họ muốn bổ túc cho các bài giảng của mình: bởi vậy những ấn phẩm đầu tiên của tôi ở Việt Nam là kết quả từ những năm tôi giảng dạy ở Huế.”
Kế tiếp những ấn phẩm đã công bố ở Pháp và Việt Nam từ những năm đầu đời học thuật, trên một trăm bài khảo cứu riêng cùng hàng chục đầu sách đứng tên riêng và chung với các học giả hàng đầu về nghiên cứu sử học Á Đông và Âu châu như Alain Forest (trong Guerre et paix en Asie du Sud-Est1, Notes sur la culture et la religion en péninsule indochinoise2 ), Eric Bournazel (trong Les féodalités3 ), Yoshiaki Ishizawa (trong Commerce et navigation en Asie du Sud-Est XIVe-XIX siècle4 ), Hartmut O. Rotermund (trong L’Asie orientale et Méridionale aux XIXe et XXe siècles…5 ) đã khiến giới sử học phương Tây đánh giá Nguyễn Thế Anh là sử gia hàng đầu về Việt Nam và miền Đông Á. Theo quy luật tự nhiên trong học giới cũng như đời, sóng sau đè sóng trước. Thế nhưng, đến nay, hậu sinh vẫn khó vượt qua nhiều nghiên cứu căn bản của ông, về thư mục như Bibliographie critique sur les relations entre le Việt Nam et l’Occident (Ouvrages et articles en langues occidentales)6, về sử kinh tế-xã hội Việt Nam thời Nguyễn, về thiết chế phong kiến tồn tại ở nhiều quốc gia Đông Á nhưng chưa từng hiện hữu đúng nghĩa ở Việt Nam, về vai trò đúng mức của nhiều phong trào xã hội và những nhân vật quan trọng trong sử Việt…
Hình như, cái gánh nặng số phận của một người Việt thường cảm thấy lẻ loi ngay trên đất Việt, cô đơn giữa những quốc gia, chính là một nhân tố khiến nhãn quan sử học của Nguyễn Thế Anh luôn luôn giữ ở thế trung chính. Không dễ dàng khi chọn tư thế sống không thỏa hiệp, không thiên vị với bất kỳ phe phái nào, ông tự nhận đã “tỵ nạn trong giáo dục” – giảng dạy lịch sử, để tránh những xung đột liên tiếp có thể khiến ông kiệt sức. May sao, ông đã được đền đáp bởi nhiều học trò, nhất là những học trò trên đất Pháp nay đã thành danh vẫn giữ nguyên tấm lòng thành kính và yêu thương với thầy. Như những dòng tiễn biệt của Claire Trần Thị Liên, Francois Guillemot, Pascal Bourdeaux… đang và sẽ còn được gửi tới ông: « Là người dẫn dắt đầy khoan dung, độ lượng và nhạy cảm, Thầy luôn luôn khích lệ để hướng tới nỗ lực trong khảo cứu, để không bao giờ đánh mất nhãn quan căn cốt, để thể hiện sự tiếp thu đa chiều và phẩm cách trung chính đầy trí tuệ.
Là đồng nghiệp, Thầy mong muốn chúng tôi – một số học trò của Thầy – tự nhận thức bản thân, để mà hướng tới phẩm chất của người giảng dạy – người nghiên cứu. Vậy nên, đến tận ngày nay, lòng tôn kính vốn có dành tới Thầy mà chúng tôi luôn luôn tỏ bày cũng không làm phai nhạt mối liên hệ nền tảng và sâu đậm là tình Thầy -Trò.
Dẫu vậy, ở một khía cạnh khác, người Thầy thân yêu của chúng tôi đã thành công khi mạnh mẽ áp đặt cho chúng tôi một mối liên hệ bình đẳng, không hề kém giá trị hơn, là tình bạn. Một tình bạn có được qua thời gian. Một tình bạn kín đáo. Một tình bạn chân thành. Hẳn nhiên đây là tặng phẩm đẹp nhất ông có thể dành cho chúng tôi, học trò của Thầy.
Thầy kính yêu ơi, trò của Thầy mất đi một người Thầy, bạn của Thầy phải xa một người bạn. Tất cả chúng con chúng khẩu đồng từ xin bày tỏ lòng tri ân với sự truyền dạy nhân văn sâu sắc không ngừng nghỉ của Thầy. Chúng học trò xin giữ mãi những khoảnh khắc vui vẻ và đầy tình sẻ chia này ; chúng học trò xin giữ mãi trong trí cái chân trời đã được Thầy chỉ hướng ; và nhất là xin lưu giữ tấm chân tình của chúng con dành tới Thầy. »
Giờ này Nguyễn Thế Anh đã trút hẳn gánh đời, được về lại trong vòng tay mẹ hiền đã khuất bóng từ năm 4 tuổi, được hàn huyên với cha già đã tử biệt sinh ly đất Á trời Âu 4 thập niên, được đoàn viên với bạn đời tròn vẹn sắc tài, được tái ngộ những tiền bối liên tài như Giáo sư Bùi Xuân Bào (1916-1991), Giáo sư Léon Vandermeersch (1928-2021), Giáo sư Trần Văn Toàn (1931-2014), những bằng hữu tri kỷ như Huỳnh Kim Khánh (1936-1990), Tạ Chí Đại Trường (1938-2016)… cùng không ít học giả trời Tây đã trìu mến đón chào người đồng nghiệp Việt Nam cứng cỏi. Ở nơi chốn thật là thanh thản mà ông đang đến, như ước nguyện của những người yêu thương ông thật nhiều, đón mừng ông đã có Giáo sư Hán học Nghiêm Toản (1907-1975) – người đặt hiệu cho ông là Tử Hoa Nhân Kiệt mà ông chỉ dám nhận hiệu Tử Hoa, đã có Giáo sư Hán học Jacques Gernet (1921-2018) nhìn tên Thế Anh bằng chữ Hán, cười vui mà diễn nghĩa “la gloire du monde” – niềm vinh hiển giữa thế gian.
Gói kín buồn thương tiễn người về.
Sử học Nguyễn Thế Anh còn gửi lại.
V.A, 21/03/2023
Illustration “à la une” : Laque vietnamienne “Hoa Sen” (lotus) © DR
Notes
- Paris: L’Harmattan, 1998 [↩]
- Paris: L’Harmattan, 1995 [↩]
- Paris: Presses universitaires de France (PUF), 1998 [↩]
- Tokyo: Sophia University, Paris: L’Harmattan, 1999 [↩]
- Paris: Presses universitaires de France (PUF), 1999 [↩]
- Paris : Maisonneuve et Larose, 1967 [↩]
OpenEdition vous propose de citer ce billet de la manière suivante :
indomemoires (23 mars 2023). SỬ GIA NGUYỄN THẾ ANH (1936-2023): TINH HOA GỬI LẠI – Hommage de Việt Anh depuis Hanoi. Mémoires d'Indochine. Consulté le 8 septembre 2024 à l’adresse https://doi.org/10.58079/q68j